“Biển chết” đã hồi sinh
Dù giá hải sản chưa phục hồi nhưng hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân miền Trung đã nhanh chóng bán được cá, tiếp tục vươn khơi
Sau gần 1 tháng điêu đứng vì hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển, hiện cuộc sống của người dân các tỉnh miền Trung đang hồi sinh.
Trở lại với biển
Sau khi Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chính thức thông báo kết quả quan trắc chất lượng nước biển và các bãi tắm ven bờ các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10-MT: 2015, nằm trong giới hạn cho phép và bảo đảm an toàn cho hoạt động con người, dân của các địa phương này đã trở lại với biển.
Trong ngày 2-5, người dân và du khách đã đổ về các bãi biển từ Quảng Bình đến Đà Nẵng để tắm. Tại biển Nhật Lệ (tỉnh Quảng Bình), hơn 200 người dân cùng du khách xuống biển tắm trong niềm vui biển đã an toàn.
Anh Nguyễn Thanh Hùng (một du khách đến từ Hà Nội) cho biết trước kỳ nghỉ lễ, anh và các bạn rất hoang mang trước hiện tượng cá chết, không còn muốn vào Quảng Bình. “Nhưng thật may mắn, nước biển ở Nhật Lệ đã tắm được trở lại và các nhà hàng đã sử dụng hải sản đánh bắt xa bờ có chứng nhận bảo đảm an toàn của cơ quan chức năng nên chúng tôi an tâm sử dụng” - anh Hùng nói.
Trong khi đó, ở biển Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và đặc biệt là biển Đà Nẵng đã thu hút hàng ngàn người dân cùng du khách tắm biển rồi tham gia ăn hải sản tại tuần lễ ẩm thực hải sản diễn ra từ ngày 1-5 ở Công viên Biển Đông (TP Đà Nẵng) do UBND TP Đà Nẵng tổ chức.
Dù giá hải sản chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn nhưng hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân miền Trung đã ra khơi và trở về. Sáng 2-5, tại cảng cá Sa Kỳ (tỉnh Quảng Ngãi), hàng chục tàu cá trở về sau nhiều ngày đánh bắt xa bờ. Ngay khi cập cảng, nhiều tàu đã nhanh chóng bán được hàng, tiếp tục vươn khơi.
Ngư dân Trần Văn Quang (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết sau gần 1 tháng đi biển Trường Sa, hôm nay tàu trở về và bán được khoảng 10 tấn hải sản các loại.
Tại tỉnh Quảng Bình, không khí tấp nập ở cảng cá Nhật Lệ và cảng Gianh. Nhiều chủ tàu cùng ngư dân ra vào, kẻ mua người bán. Ai cũng hớn hở. Tại các chợ lớn như Đồng Hới, Ba Đồn, Nhân Trạch…, tiểu thương đã bán cá trở lại và được người dân mua về ăn.
Các bãi tắm ở tỉnh Quảng Bình đông du khách trong ngày 2-5. Ảnh: Hoàng Phúc
Chỉ cần nhìn vào độ tươi
Tuy có rất đông tàu cá đang nằm bờ nhưng cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng) đã bớt vắng vẻ hơn trước. Số lượng xe đông lạnh, xe máy ra vào cảng thu mua cá khá đông. Theo các ngư dân và thương lái, trong ngày 2-5 có khoảng 2/10 số hải sản từ các thuyền được thương lái đến thu mua. Việc tiêu thụ hải sản bắt đầu chuyển biến tích cực. Dù thế, do lo ngại không bán được cá cộng với giá cá giảm hơn 50% nên chỉ có khoảng 1/10 số tàu thuyền vươn khơi.
Trong sáng 2-5, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, đã chủ trì cuộc họp với tất cả sở, ban - ngành và các địa phương để xử lý hậu quả do ảnh hưởng cá chết. Cùng ngày, tỉnh đã tổ chức điểm bán cá sạch tại siêu thị Co.opmart Huế và 0,5 tấn cá đã bán hết trong vài giờ. Dự kiến, điểm bán cá sạch sẽ tiếp tục mở rộng trên toàn tỉnh.
Về kiểm nghiệm chất lượng cá, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phải huy động ngành thú y, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản ứng dụng các máy móc hiện đại mới được đầu tư để giám sát, cấp chứng chỉ an toàn cá sạch cho ngư dân một cách nhanh chóng.
“Việc xét nghiệm cần rất nhiều thời gian, ngư dân đợi có kết quả thì làm sao bán được cá. Căn cứ khuyến cáo của Bộ NN-PTNT, cá đánh ở vùng biển ngoài 20 hải lý là an toàn, lực lượng bộ đội biên phòng xác định khu vực tàu đánh cá rồi cấp chứng chỉ. Riêng cá gần bờ hiện không khuyến khích đánh bắt nhưng nếu còn tươi thì cũng bảo đảm an toàn. Chúng ta không được tiết kiệm chi phí mà mất đi sự an tâm” - ông Cao nói.
Nhiều người cho biết việc phân biệt cá đánh bắt xa bờ với gần bờ khá đơn giản. Cá xa bờ chủ yếu là những loài giá trị cao như ngừ, mú, nục hoa. Cá gần bờ chủ yếu là nục, mai, cơm. Để phân biệt cá có nhiễm độc hay không chỉ cần nhìn vào độ tươi. Cá sạch thường tươi ngon, mắt trong, thịt cứng, vảy không trầy xước.
Xác nhận an toàn qua định vị
Ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết các tàu cá sẽ được xác nhận an toàn khi ra khơi đánh bắt xa bờ thông qua hệ thống định vị tọa độ của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Bình. “Chúng tôi luôn theo dõi hệ thống định vị. Đối với những tàu trên 200 CV thì tọa độ, kiểm soát sẽ hiện rõ trên màn hình để giúp các lực lượng chức năng theo dõi, bám sát hoạt động đánh cá của ngư dân và đề phòng sự cố xấu để ứng cứu. Khi tàu cập bến, quy trình kiểm định và cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ thông qua hệ thống định vị và chất lượng cá để cấp giấy xác nhận nguồn gốc của thủy sản xa bờ” - ông Du nói.
Trong sáng cùng ngày, đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra tình hình đánh bắt, thu mua thủy hải sản trên địa bàn. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, động viên ngư dân không quá hoang mang, cần bình tĩnh với những khó khăn trước mắt, chính quyền địa phương sẽ luôn đồng hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Tỉnh sẽ lập các điểm thu mua hải sản được bảo đảm an toàn về chất lượng. Nếu đầu ra nguồn hải sản đánh bắt xa bờ, gặp khó khăn thì tỉnh sẽ tạo điều kiện kêu gọi các nhà máy thu mua, ổn định đầu ra cho người dân.
Mời nhà khoa học nước ngoài đánh giá môi trường
Ngày 2-5, tại buổi tiếp các nhà khoa học đến từ Đức, Mỹ, Israel và các nhà khoa học trong nước, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã đề nghị các nhà khoa học nước ngoài hợp tác nhằm đáp ứng cấp bách những yêu cầu trước mắt trong công tác điều tra sự cố môi trường khu vực biển miền Trung Việt Nam vừa qua. “Tôi đề nghị các nhà khoa học nước ngoài vào cuộc tư vấn ngay lập tức cho Bộ TN-MT cũng như hợp tác lâu dài trong công tác bảo vệ môi trường biển của Việt Nam. Đồng thời, tham gia luôn vào việc đánh giá hoạt động của các nhà máy đang xả trực tiếp ra biển Vũng Áng. Chúng tôi cũng mong các nhà khoa học tham gia khảo sát quan trắc chất lượng nước biển khu vực này” - ông Hà đặt vấn đề.
GS Roberto Mayerle, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Đại học Kiel (Đức), đề xuất nếu Việt Nam đồng ý, trung tâm của ông sẽ đưa thêm chuyên gia, mang thêm thiết bị để giúp điều tra nguyên nhân sự cố môi trường biển vừa qua.
Th.Dương
Hải sản đưa đến điểm bán phải bảo đảm an toàn
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho biết nguồn hải sản tại TP này có sẵn nhưng do chờ kết quả kiểm nghiệm nên đến chiều 2-5 vẫn chưa có hải sản sạch để cung ứng cho các điểm bán. “Chúng tôi phải kiểm nghiệm kỹ để hải sản đưa đến các điểm bán phải bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng từ phương tiện, điểm bán…, chỉ chờ có kết quả kiểm nghiệm là chở đi luôn” - ông Ban cho hay. UBND TP Đà Nẵng cũng đã công bố trên Cổng thông tin điện tử TP (danang.gov.vn) 49 địa điểm bán hải sản sạch cho người dân và du khách.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, tính đến hết tháng 4, tình hình cá chết dọc bờ biển đã gây thiệt hại cho địa phương ước hơn 134 tỉ đồng, có 11.572 hộ (42.288 người) và 2.522 tàu thuyền bị ảnh hưởng. UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ mỗi chủ hộ khai thác ven bờ (tàu thuyền công suất từ 20CV trở xuống) 5 triệu đồng/tháng trong thời gian tạm dừng khai thác để giải quyết khó khăn trong đời sống của ngư dân, đồng thời hỗ trợ tỉnh 134,91 tỉ đồng và 800 tấn gạo để giúp ngư dân khắc phục hậu quả do hải sản chết bất thường gây nên.