Biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng tại TP Phan Thiết
Trong mấy ngày gần đây, từ ngày 27 đến 30-4, do ảnh hưởng của gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển thuộc các thôn Tiến Đức, Tiến Bình thuộc xã Tiến Thành, TP Phan Thiết (Bình Thuận).
Phạm vi bờ biển sạt lở có chiều dài khoảng 1.300 mét; trong đó, đoạn sạt lở nghiêm trọng có chiều dài gần 300 m, sâu vào đất liền từ 20 - 25m, làm mất hơn 2 héc-ta (ha) diện tích đất ven biển. Biển sạt lở làm một số nhà dân bị sụp đổ hoàn toàn và uy hiếp một số nhà dân tại khu vực; làm ngã đổ khoảng hai hàng dừa trồng ven biển. Biển xâm thực lấn sâu vào đất liền cũng làm sạt lở một số đoạn đường giao thông nội bộ dẫn vào khu dân cư Cầu Tàu thuộc hai thôn Tiến Đức, Tiến Bình, tạo thành hố sâu cao từ 8 – 10 m rất nguy hiểm và có khả năng bị phá hủy hoàn toàn trong thời gian gần.
Khu vực bị sạt lở nằm ở vị trí cuối dự án lấn biển, sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP Phan Thiết của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải.
Ông Nguyễn Năng, trú thôn Tiến Đức, TP Phan Thiết cho biết, gia đình ông sống ở đây đã 40 năm với diện tích đất khoảng 1 ha, trồng dừa và một số cây ăn trái lâu năm. Mấy năm nay biển thường xuyên xâm thực, nhưng chủ yếu ở khu vực giáp ranh giữa thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành với khu phố 5, phường Đức Long. Tại khu vực đất của gia đình không bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên gia đình cũng đầu tư làm kè, gia cố bờ biển để hạn chế thiệt hại. Nhưng năm nay, tại khu vực này biển xâm thực mạnh lấn sâu vào đất liền, làm mất 2-3 hàng cây dừa; hai nhà xây tạm gần bờ biển bị sụp đổ hoàn toàn; gần 3 sào đất của gia đình đã bị biển “nuốt chửng”.
Biển xâm thực khiến một số nhà dân bị sụp đổ hoàn toàn, hai hàng dừa trồng ven biển bị ngã đổ cuốn ra biển.
Ngay sát bên cạnh là nhà nghỉ Thanh Vân hết sức bề thế của ông Nguyễn Thanh Liêm, chủ cơ sở nuôi tôm cũng đang có nguy cơ bị biển xâm thực. Chiều ngày 30-4, theo ghi nhận của phóng viên báo Nhân Dân điện tử tại hiện trường, sóng biển đã đánh vào sát con đường, cách tường rào của căn nhà chỉ khoảng 2 m. Ông Liêm cho biết: “đất của nhà tôi ở đây có 7.000 mét vuông, gồm có nhà nghỉ này và gần 3 sào ao nuôi tôm. Thế nhưng, năm nay biển xâm thực mạnh lấn vào gần sát tường rào phía trước nhà và có khả năng de dọa trực tiếp sự tồn tại của căn nhà; ao nuôi tôm giống của gia đình cũng đang bị đe dọa. Trước đây, bà con nhân dân ở đây tự bỏ tiền ra làm con đường giao thông nội bộ nối với đường Trần Lê để vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ cho việc đi lại của bà con trong thôn được thuận lợi. Nhưng hiện giờ biển đã xâm thực làm sạt lở nhiều đoạn rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và phương tiện giao thông đi qua đây, nhất là vào ban đêm, nếu không có người cảnh giới”.
Gần 200 hộ dân xã Tiến Thành tại khu vực Cầu Tàu hiện đi lại rất khó khăn do con đường kết nối với đường Trần Lê đã bị đứt đoạn do biển xâm thực. Rất nhiều người dân tỏ ra bức xúc và đề nghị chính quyền có các giải pháp giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống.
Gia cố tạm khu vực sạt lở nguy hiểm, đổ đá hộc xuống chân mái bờ biển bị sạt lở để hạn chế lực sóng đánh vào bờ.
Bà Nguyễn Thị Tư, sống tại khu dân cư Cầu Tàu, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành bày tỏ: “Mấy hôm giờ sóng biển đánh vào đường gây sạt lở một số đoạn, đến ngày 29-4 thì bị sạt lở nặng, nhiều chỗ bị mất hẳn không còn đường đi luôn. Bà con ở thôn Tiến Bình mong muốn nhà nước giúp đỡ làm cho con đường để con em đi học, chứ gần đi học lại rồi mà không có đường để đi”.
Trước tình hình thiệt hại, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cùng với các cơ quan chức năng và địa phương đã tới hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại. Để hạn chế rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng của người dân, UBND TP Phan Thiết đã cho chăng dây, lắp đặt biển cảnh báo những vị trí bị sạt lở nguy hiểm để người dân không đi qua. Đồng thời làm việc với một số hộ dân có đất để mở đường cho bà con đi lại thuận tiện. Cùng với đó, dựng trụ đèn thắp sáng vào ban đêm để người dân đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt.
Khu vực bị sạt lở nằm ở vị trí cuối Dự án lấn biển, sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, TP Phan Thiết của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải đang triển khai xây dựng, đây cũng là đoạn kè kéo dài của dự án và Công viên mà Công ty phải thực hiện.
UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND TP Phan Thiết phối hợp các sở, ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, khảo sát thực trạng sạt lở tại khu vực này, tham mưu giải pháp xử lý trên toàn tuyến cho UBND tỉnh. Trước mắt, yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Phúc Hải tập trung nhân lực, thiết bị, phương tiện thi công đoạn kè tạm nối từ dự án, gia cố tạm khu vực sạt lở nguy hiểm, đổ đá hộc xuống chân mái bờ biển bị sạt lở để hạn chế lực sóng đánh vào bờ, giảm tối đa sạt lở, mất đất ven biển tại khu vực này trong khi tình hình thời tiết, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường.