Bình Định: Công bố kết quả kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản
Trong quý I năm 2022, Đoàn thanh tra, kiểm tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường và thuốc thú y thủy sản
Tỉnh Bình Định có 05 huyện, thị xã và thành phố ven biển có hoạt động nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn, kèm theo đó là các hoạt động cung ứng vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản, nhưng tập trung chủ yếu ở 04 địa phương: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Quy Nhơn. Trong đó, phần lớn là các hộ kinh doanh cá thể hoạt động mua, bán thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và thuốc thú y thủy sản.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất, kinh doanh và người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong quý I năm 2022, Đoàn thanh tra, kiểm tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành kiểm tra 10 tổ chức, cá nhân (gọi tắt là cơ sở) kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường và thuốc thú y thủy sản; trong đó có 01 tổ chức, 09 hộ kinh doanh cá thể tại 04 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh gồm: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Quy Nhơn. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra tại cơ sở, Đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành lấy 03 mẫu thức ăn thủy sản để gửi đi kiểm nghiệm chất lượng (các chỉ tiêu phân tích: Protein thô, Lysine tổng số và Ethoxyquin); kết quả: 03 mẫu đều đạt chất lượng.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hầu hết các cơ sở được kiểm tra đều chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh như: có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y thủy sản; địa điểm kinh doanh, kho chứa hàng và quầy hàng trưng bày sản phẩm sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Các sản phẩm, hàng hóa được trưng bày, mua bán tại các cơ sở kinh doanh có nguồn gốc rõ ràng, nhãn mác sản phẩm, hàng hóa đầy đủ theo đúng quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở kinh doanh, việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa đầy đủ như: thiếu hồ sơ công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa; phiếu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh có biểu hiện né tránh Đoàn thanh tra, kiểm tra như: đóng cửa cơ sở hoặc báo bận việc gia đình,...
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi trồng thủy sản, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật liên quan cho các chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ về điều kiện kinh doanh; đảm bảo kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời có biện pháp xử phạt nghiêm các chủ cơ sở kinh doanh cố tình né tránh, vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh gây ảnh hưởng đến người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh./.