TIN THỦY SẢN

Bình Định: Ghi nhận đóng góp của những chiến binh xanh thầm lặng

Ra mắt Câu lạc bộ thu gom phế liệu Quy Nhơn. Ảnh: ICISE Ái Trinh

Người buôn bán ve chai, thu gom phế liệu là những chiến binh xanh thầm lặng trực tiếp, góp phần bảo vệ môi trường.

Việc ghi nhận, hợp tác, hỗ trợ, củng cố vai trò và sự đóng góp của người lao động phi chính thức trong lĩnh vực chất thải là một yếu tố then chốt nhằm tăng cường hiệu quả của hệ thống quản lý rác thải là hoạt động đang được quan tâm thực hiện tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định.

Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE)  vừa tổ chức sự kiện “Lễ ra mắt CLB thu gom phế liệu Quy Nhơn” với gần 200 lao động thu gom phế liệu trên địa bàn thành phố tham gia. Đây là sự kiện thuộc Dự án “Nhân rộng các mô hình quản lý chất thải tổng hợp thông qua việc trao quyền cho nhóm lao động phi chính thức và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn” được tài trợ bởi Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Đại sứ Quán Nauy.

Sự kiện này mong muốn kết nối và tôn vinh các lao động phi chính thức trong lĩnh vực rác thải là những người đang thực hiện công tác thu mua phế liệu, nhặt rác trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, đồng thời đưa ra các giải pháp giúp cải thiện sinh kế của nhóm lao động này, góp phần thúc đẩy hoạt động phân loại rác tái chế hướng đến nền kinh tế tuần hoàn tại thành phố Quy Nhơn. 

Học sinh tham gia hoạt động vẽ tranh về lao động thu gom phế liệu. Ảnh: ICISE

CLB thu gom phế liệu Quy Nhơn được thành lập với 5 mục tiêu chính: Kết nối các lao động trong lĩnh vực thu gom phế liệu với nhau để thuận lợi hơn trong công tác đào tạo, tập huấn, giúp cải thiện sinh kế của người lao động; Thúc đẩy sự ghi nhận vai trò của nhóm lao động này tại địa phương; Tăng cường sự kết nối giữa cộng đồng và người thu mua nhằm thúc đẩy hoạt động phân loại rác tái chế trong cộng đồng; Kết nối lao động thu gom phế liệu với cơ sở phục hồi vật liệu (MRF) nhằm cải thiện cuộc sống của người lao động; Cung cấp cơ sở dữ liệu về lao động thu gom phế liệu cho chính quyền góp phần hoàn thiện các chính sách và kế hoạch quản lý chất thải rắn tại địa phương.

Tại sự kiện, TS. Đỗ Thị Thu Trang – Nhóm trưởng Nhóm Môi trường và Phát triển bền vững, Viện IFIRSE, ICISE “Giới thiệu về Câu lạc bộ thu gom phế liệu” bao gồm mục tiêu của câu lạc bộ, quyền lợi và vai trò của các thành viên, cũng như cách thức hoạt động của câu lạc bộ. TS. Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Bình Định, sẽ chia sẻ về “Vai trò của cộng đồng và chính quyền trong việc thúc đẩy hiệu quả của Câu lạc bộ thu gom phế liệu Quy Nhơn”.

Gần 200 người thu gom phế liệu ở TP Quy Nhơn dự lễ ra mắt CLB thu gom phế liệu Quy Nhơn. Ảnh: ICISE

Tại buổi Lễ, các lao động thu gom phế liệu đã chia sẻ về công việc, những trở ngại, khó khăn trong quá trình làm việc, cũng như những mong muốn và đề xuất của mỗi cá nhân liên quan đến công việc thu gom phế liệu. 

Bên lề Lễ ra mắt CLB, còn diễn ra các hoạt động, như: Đổi rác lấy quà kết hợp với hoạt động giáo dục môi trường tìm hiểu về lao động phi chính thức do UBND TP Quy Nhơn phối hợp với UNDP, đại sứ quán Na Uy và ICISE tổ chức. Hoạt động vẽ tranh về lao động thu gom phế liệu được thực hiện bởi 10 học sinh đến từ lớp vẽ Mỹ thuật Bình Định

Ái Trinh