TIN THỦY SẢN

Bình Thanh - Vào vụ thủy sản mới

Nông dân Bình Thanh chăm sóc, phòng bệnh cho thủy sản ngay từ đầu vụ. Khắc Duẩn

Đã thành truyền thống, cứ bắt đầu tiết Thanh minh, khi thời tiết ấm áp, nông dân Bình Thanh (Kiến Xương) lại tập trung xuống giống bắt đầu nuôi trồng vụ thủy sản mới.

Năm nay, do chủ động được nguồn giống thủy sản tốt và chuẩn bị ao nuôi bảo đảm vệ sinh, nông dân Bình Thanh hy vọng sẽ có một năm nuôi trồng thắng lợi.

Gia đình anh Hoàng Văn Tuấn, thôn Đa Cốc là một trong những hộ nuôi trồng thủy sản có diện tích lớn ở vùng thủy sản tập trung của xã Bình Thanh. Từ trước tết, khi xuất bán cá xong anh đã đầu tư hàng chục triệu đồng cải tạo lại ao nuôi và chuẩn bị thức ăn cho vụ mới. 

Anh Tuấn chia sẻ: Với gần 3 mẫu, tôi dành hơn 2 mẫu quy hoạch làm 3 ao (1 ao nuôi cá giống, 2 ao nuôi cá thịt), diện tích còn lại làm lán chăn nuôi lợn, gà và trồng cỏ voi làm thức ăn nuôi cá. Năm 2017, tổng thu từ nuôi cá và gia súc, gia cầm được hơn 700 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi 250 triệu đồng. Do chủ động được nguồn giống, vừa qua gia đình đã thả hơn 3,5 tấn cá giống, khoảng 3.000 con gồm trắm cỏ và trôi Ấn Độ loại từ 0,5 - 1,5kg/con. Thả cá giống ở tầm to này nuôi rất nhanh lớn, nếu nuôi thuận lợi và giá cả ổn định thì đến tháng 8 âm lịch sẽ xuất bán ước được hơn 12 tấn cho giá trị khoảng gần 600 triệu đồng.

Cũng như gia đình anh Tuấn, hiện nay, 81 hộ ở vùng thủy sản tập trung và hơn 230 hộ nuôi nhỏ lẻ ở trong khu dân cư xã Bình Thanh cũng bắt đầu xuống giống nuôi vụ mới. Toàn xã có 77ha nuôi trồng thủy sản, phần lớn các hộ tập trung nuôi cá truyền thống. 

Ông Lê Văn Hoành, cán bộ Ban Quản lý vùng thủy sản tập trung xã cho biết, sau 13 năm sản xuất, kinh nghiệm cho thấy ở vùng bãi này chỉ có thể nuôi các loại cá: trắm, chép, trôi, mè, rô phi và diêu hồng. Các giống thủy sản khác nuôi rất khó và chậm lớn vì nguồn nước ở đây biến đổi phức tạp: đầu năm nước bị nhiễm mặn, cuối năm thì nước phù sa.

Nhờ làm tốt công tác chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, mỗi năm nông dân Bình Thanh thu hoạch khoảng 300 tấn cá các loại, thu về trên 10 tỷ đồng. Việc chăn nuôi của bà con cũng tương đối thuận lợi nhờ địa phương quy hoạch hệ thống điện, giao thông, thủy lợi tốt. Hàng năm, UBND xã đều phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cơ sở đào tạo và một số doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản nước ngọt cho nông dân.

Để giúp nông dân yên tâm đầu tư và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã đầu tư hàng trăm triệu đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống đê bao và kênh mương thủy lợi. 

Ông Đỗ Văn Phụ, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Năm nay xã đã đầu tư kinh phí và huy động máy móc tổ chức nâng cao 4km mặt đê bao và 5 cống tưới, tiêu chính phục vụ vùng thủy sản. Địa phương cũng tích cực tuyên truyền, vận động và có cơ chế hỗ trợ 50% kinh phí cho bà con mở rộng, cứng hóa hệ thống giao thông trong khu nuôi trồng thủy sản, tạo thuận lợi cho việc giao thông, vận chuyển thức ăn chăn nuôi và tiêu thụ nông sản.

Phát triển thủy sản kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rau màu, giá trị thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm, nông dân Bình Thanh đã đánh thức tiềm năng lợi thế của vùng đất bãi ven sông Hồng trước đây vốn cấy lúa một vụ trong năm cho thu nhập thấp. Nhờ có sự chuyển đổi hợp lý và sự năng động, cần cù lao động, thu nhập và đời sống của nông dân Bình Thanh được nâng lên từng ngày.

Khắc Duẩn Báo Thái Bình