TIN THỦY SẢN

Bình Thuận: Chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

Ảnh minh họa (Nguồn internet) Ngọc Hà

Với mục tiêu hướng dẫn người nuôi thủy sản biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình, kiểm tra, phát hiện kịp thời các ổ dịch bệnh động vật thủy sản (nếu có), chủ động triển khai nhanh chóng công tác chống dịch bệnh động vật thủy sản khi có dịch bệnh xảy ra, vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2017.

 Nội dung chủ yếu  nhằm triển khai công tác phòng bệnh, chống dịch khi có dịch bệnh xảy ra, tăng cường năng lực cho công tác chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản.

Về phòng bệnh, đối với các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản cần thực hiện quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật của Luật Thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thiết kế cơ sở đảm bảo các hoạt động vệ sinh, khử trùng, khoanh vùng và xử lý khi dịch bệnh xảy ra thuận lợi, hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn nước phải được xử lý mầm bệnh, kiểm soát các yếu tố môi trường, bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh thú y trước khi đưa vào sản xuất; nước thải, chất thải phải xử lý đạt yêu cầu theo quy định trước khi xả thải. Giống thủy sản phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh và đáp ứng các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giống thủy sản. Giống thủy sản từ cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch; kiểm tra chất lượng theo quy định. Trường hợp sử dụng thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống phải đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần thực hiện giám sát dịch bệnh động vật thủy sản theo quy định. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật về nuôi, phòng bệnh, quản lý môi trường theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y thủy sản, nuôi trồng thủy sản trong quá trình hoạt động của cơ sở; khuyến khích sử dụng vắc xin được phép lưu hành trong phòng bệnh động vật thủy sản. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đối với một số bệnh động vật thủy sản nguy hiểm tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN và PTNT.

Về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản xây dựng kế hoạch thu mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản. Về  giám sát dịch bệnh động vật thủy sản, các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản cần theo dõi hàng ngày để kịp thời phát hiện động vật thủy sản bị bệnh, bị chết và xử lý. Khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường, lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh; đồng thời báo cáo theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN và PTNT. Tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thủy sản trong việc lấy mẫu theo kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật thủy sản.

Về chống dịch bệnh, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản và nuôi thủy sản thương phẩm khi phát hiện thủy sản nuôi mắc bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh phải báo ngay cho Chi cục Thủy sản và Phòng nông nghiệp/Phòng kinh tế các địa phương, UBND cấp xã biết để hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch. Khi xử lý ổ dịch và hỗ trợ hóa chất tiêu hủy động vật thủy sản mắc bệnh, chủ cơ sở sản xuất giống, nuôi trồng không xả nước thải, chất thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu ra môi trường; không vứt động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, chết ra môi trường. Khai báo dịch bệnh động vật thủy sản, chữa bệnh, thu hoạch hoặc xử lý động vật thủy sản mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, chết và áp dụng các biện pháp khác theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản. Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường nuôi, dụng cụ nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của Chi cục Thủy sản.

Ngọc Hà Fistenet