Bình Thuận: Cuối vụ cá nam - Ngư dân bội thu
Từ đầu vụ cá nam đến nay thì đây là thời điểm ngư dân thắng lớn do hải sản được mùa, được giá. Từng đoàn ghe thuyền tấp nập ra khơi và trở về với hải sản đầy khoang…
Suốt vụ cá nam 2013, chưa bao giờ ngư dân ở phường Phú Hài - TP. Phan Thiết lại vui mừng như mấy ngày gần đây, bởi đã sắp hết vụ cá nam nhưng rất đông bà con ngư dân ở đây lại trúng đậm nhiều luồng cá cơm và cá nục như vậy. “Chỉ mới cách đây hơn nửa tháng, dù đang vụ cá nam nhưng rất ít ghe nào bội thu như bây giờ, hầu hết huề vốn hoặc chỉ có dư chút đỉnh, đủ chia cho mỗi bạn thuyền vài trăm ngàn sau mỗi chuyến biển từ 3 - 5 ngày để giữ chân họ” - ngư dân Hồ Phước Lộc ở phường Phú Hài chia sẻ với chúng tôi. Mấy ngày qua, cả một xóm biển như rộn ràng hẳn, nhà nào cũng tranh thủ tu bổ, sửa chữa ngư lưới cụ, mua thêm dầu, đá lạnh, thức ăn bổ sung cho ghe nhà mình để kịp chuyến biển kế tiếp. Bởi ai cũng muốn tranh thủ lúc biển đang “đãi ngộ”, tập trung khai thác tối đa các luồng cá nổi.
Ngư dân Võ Văn Hòa (phường Phú Hài) cho biết: Trước đây mỗi chuyến biển thường kéo dài hơn nửa tháng mới vào bờ bán cá một lần. Nhưng mấy ngày nay, cá nhiều quá nên mọi người thống nhất cứ cách 1 ngày sẽ quay vào Cảng Phan Thiết bán cá và tiếp thêm nhiên liệu sau đó lại tiếp tục ra khơi. Giá cá nục hiện nay cũng tương đối khá, giá bán xô tại cảng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy kích cỡ, sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên được chia vài ba triệu đồng cho một chuyến biển kéo dài 2 - 3 ngày. Có thu nhập nên mọi người rất hăng hái, phấn khởi và liên tục bám biển.
Không riêng gì ngư dân ở phường Phú Hài trúng đậm cá nục và cá cơm, ngư dân một số phường trong thành phố cũng thắng lớn không kém. Với các nghề truyền thống như vây rút chì, mành đèn, mành chà chuyên đánh cá nục, cá chỉ… thì mấy ngày qua ngư dân phường Bình Hưng, Hưng Long, Đức Long cũng trúng đậm các luồng cá nục. Ông Lê Thanh Bốn ở phường Bình Hưng có ghe công suất trên 70CV chuyên nghề mành, liên tục trúng đậm cá nục. Ông nhẩm tính, sau khi trừ phí tổn từ 3 - 4 triệu đồng, ghe nhà ông vẫn còn lãi 15 - 20 triệu đồng cho mỗi chuyến biển đi về trong ngày, 12 thuyền viên mỗi người được chia trên 1 triệu đồng/người. Sản lượng nhiều nhưng giá cá giảm không đáng kể so với thời điểm giữa vụ nên ngư dân thu nhập khá hơn.
Tuy nhiên, trái ngược hẳn với những ghe chuyên nghề vây rút chì hoặc mành chà thì nghề mành mực ở địa phương rất đìu hiu. Suốt từ đầu vụ cá nam đến nay, mực rất ít khi xuất hiện, nhiều ghe đi nghề mành mực ở Bình Hưng gần như thất bại, nhưng chủ thuyền đã nhanh nhạy chuyển sang nghề giã cào để tiếp tục bám biển. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng chuyển đổi nghề, bởi chi phí sắm sửa một giàn giã cào hiện nay khá cao, tầm trên dưới 50 triệu đồng. Do đó vẫn còn một số ghe cố gắng bám trụ với nghề đã gắn bó lâu nay, cộng thêm nhờ hiếm hoi mực nên giá cả có phần cao hơn, nhờ vậy nhiều ngư dân vẫn gắn bó với nghề.
Trong những ngày này, tại Cảng cá Phan Thiết luôn tấp nập người từ sáng sớm đến chiều tối, khác hẳn không khí của những ngày trước. Nét mặt mọi người đều thể hiện sự vui mừng, phấn khởi khi thuyền nào cũng đầy ắp cá trong khoang. Cá nhiều, không chỉ ngư dân vui mà kéo theo các dịch vụ trên bờ cũng ăn nên làm ra không kém. Các cửa hàng bán nhiên liệu, hàng hóa phục vụ ghe thuyền, những người gánh cá, khuân vác đều hưởng lợi. Không ai lý giải được vì sao những ngày qua các luồng cá xuất hiện liên tục và dày đặc như vậy, riêng với những ngư dân dày dạn kinh nghiệm cho biết thì đây cũng là hiện tượng tự nhiên của biển cả. Có thể nói, ngư dân được mùa cá cơm, cá nục vào thời điểm cuối vụ cá nam đã góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho bà con ngư dân, qua đó trang trải các chi phí của những chuyến biển đầu vụ không mấy thuận lợi.