Bổ sung Ecdysone tạo cua lột
Nghiên cứu này tập trung vào việc đánh giá hiệu quả chế phẩm ecdysone để tạo cua lột thương phẩm.
Cua xanh (Scylla serrata) là loài có kích thước lớn, được coi là loại đặc sản bởi hàm lượng mỡ thấp, protein cao, dồi dào về khoáng vi lượng và vitamin nên được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, đặc biệt là sản phẩm cua lột bởi giá trị dinh dưỡng và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng việc kiểm soát và chủ động trong việc tạo sản phẩm cua lột cho đến nay vẫn là vấn đề khá phức tạp và mới mẻ đối với nghề nuôi cua.
Trong vòng đời của mình, các loài giáp xác phải trải qua rất nhiều lần lột vỏ để phát triển từ trứng thành cua trưởng thành. Mỗi lần lột, lớp vỏ cứng tách ra thay vào là lớp vỏ mới khá mềm và cứng lên dần theo thời gian. Thịt cua lột có hàm lượng đạm rất cao từ 57,02 – 65,95%, hàm lượng khoáng từ 10,41 – 16,71% cao gấp hai lần cua chắc (7,01%); hàm lượng lipid của cua lột từ 3,52 -9,45% cũng cao hơn cua chắc rất nhiều (1,94%). Các sản phẩm cua, ghẹ, tôm lột vỏ có thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng canxi và phosphor, là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Trong quá trình nuôi sản xuất cua lột thì vấn đề cua lột không đều và hiệu suất lột thấp là những trở ngại chính.
Hiện nay có nhiều phương pháp được sử dụng để kích thích sự lột vỏ của cua, ghẹ như sử dụng hóa chất, cắt cuống mắt hoặc sử dụng phương pháp tiêm hoặc bổ sung hooc môn vào thức ăn. Phương pháp sử dụng hóa chất không được khuyến khích sử dụng vì nó làm giảm chất lượng cua lột thương phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nguyễn Thị Bích Thuỷ và cộng sự đã nghiên cứu khảo sát sử dụng nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm sử dụng các loại hooc môn, chitosan, cắt cuống mắt, … để thử nghiệm khả năng kích thích lột vỏ ghẹ xanh (blue swimming crab, Portunus pelagicus). Trong khi giải pháp cắt mắt cho thấy không có tác dụng rõ rệt lên hiệu quả lột vỏ của ghẹ, việc trộn 1% chitosan vào cá tươi làm thức ăn cho ghẹ hoặc 1ppm hooc-môn β-ecdysone vào thức ăn cho hiệu quả lột vỏ hơn 70%. Ecdysteroid là một hooc-môn có thể kích thích việc lột xác và thúc đẩy chuyển từ giai đoạn trung gian đến giai đoạn tiền lột xác. Soumoff (1983) và Skinner (1985) đã chỉ ra rằng hàm lượng ecdysteroid gia tăng trong giai đoạn tiền lột xác. Do đó, có thể sử dụng hooc môn ecdysteroid để thúc đẩy quá trình lột xác và rút ngắn thời gian lột xác.
Nghiên cứu ứng dụng ecdysone trên cua
Thí nghiệm được bố trí gồm 05 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại 03 lần. Cua giống (35,0 ± 1,4 g/con) được cho ăn cá tạp (D0) và các thức ăn chứa hàm lượng ecdysone từ 0,3; 0,5 và 0,7 μg/g (D1, D2, D3) và 01 nghiệm thức sử dụng 0,5% cholesterol (D4). Cua được cho ăn và theo dõi trong 45 ngày nuôi.
Kết quả
Kết quả thí nghiệm cho thấy cua ăn thức ăn chứa nồng độ 0,7 μg/g ecdysone có tỉ lệ lột ở ngày thứ 17 đạt cao nhất (63,3%). Tính trong cả giai đoạn, ở nghiệm thức 0,7 μg/g và cá tạp có tỉ lệ cua lột tốt nhất lần lượt là 79,3% và 80,2%, tuy nhiên thời gian lột ở nghiệm thức sử dụng thức ăn ecdysone giảm xuống 02 ngày so với thức ăn cá tạp (19 ngày). Kết quả nghiên cứu cho thấy ecdysone có ảnh hưởng rõ rệt đến hiện tượng lột vỏ cũng như rút ngắn thời gian lột vỏ cua.
Kết quả từ nghiên cứu cho thấy sử dụng ecdysone 0,7 μg/g có thể rút ngắn được thời gian lột của cua và tăng cường tỉ lệ lột góp phần ứng dụng vào sản xuất cua lột đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo Trần Văn Khanh, Lê Hoàng, Nguyễn Thành Trung, Trần Thị Lệ Trinh và Nguyễn Văn Nguyện.