TIN THỦY SẢN

Cá chuồn: Loài cá “bay” mỗi mùa di cư

Cá chuồn Nguyệt Hoa

Có lẽ từ trước đến nay, chúng ta nghĩ rằng những con cá chỉ có thể bơi hoặc cùng lắm là còn biết nhảy trên mặt nước. Thế nhưng có một loài cá cá biệt hơn cả, đó chính là cá chuồn bởi chúng có một khả năng kỳ lạ, đó là biết bay.

Một loài cá có khả năng kỳ lạ 

Cá chuồn hay còn được biết với cái tên khác là cá chuồn bay có tên khoa học là Exocoetidae. Người ta giải thích rằng, cái tên “cá chuồn” bắt nguồn từ việc chúng tuy là một loài cá sống dưới nước nhưng lại có khả năng lướt và bay trên mặt nước trông hệt như những con chuồn chuồn. 

Cá chuồn được tìm thấy ở hầu hết các đại dương, đặc biệt là vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới như: Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và vùng biển Caribbean. Tại Việt Nam, cá chuồn được tìm thấy ở rất nhiều vùng mà chủ yếu là ở những vùng biển thuộc khu vực miền Trung. 

Tổ tiên của cá chuồn, tức hóa thạch cá bay lâu đời nhất là Potanichthys xingyiensis được cho là đã tồn tại khoảng 235-242 triệu năm trước. Tuy nhiên, loài cá chuồn hiện đại không liên quan đến hóa thạch này vì chúng đã tiến hóa độc lập khoảng 65 triệu năm trước. 

Cá chuồn sở hữu thân hình thuôn dài và trông hơi dẹt với tấm lưng màu xanh, còn phần bụng trắng lấp lánh. Trung bình chiều dài của một con cá chuồn trưởng thành rơi vào khoảng từ 18-30cm và cân nặng thường là từ 0,5-6kg. Trong đó, đôi vây của chúng có độ dài đến hơn 10cm có tác dụng như đôi cánh khi chúng bay trên mặt nước.  

Như vậy, nhờ có vây ngực lớn bất thường nên cá chuồn có thể bay trên mặt nước bằng cách xòe vây ngực ra thành hình sải cánh. Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra hình dạng cơ thể của cá chuồn khá giống với ngư lôi (một loại vũ khí tự di chuyển trong nước) nên chúng có thể di chuyển từ mặt nước lên không trung. Ngoài ra, phần vây đuôi chẻ đôi với vạt dưới dài hơn vạt trên cũng góp phần giúp chúng bay.

Cá chuồn. Ảnh: inaturalist.org

Trong một lần bay, chúng có thể bay cao đến tận 1,2m so với mực nước biển và quãng đường bay của chúng có thể lên đến 400m. Thời gian bay dài nhất được ghi nhận ở một con cá chuồn là 45 giây. 

Cá chuồn được cho là một loài cá ăn tạp. Thức ăn của cá chuồn chủ yếu là các loài giáp xác và sinh vật phù du. Đặc biệt, một số loài còn săn bắt cá nhỏ. Đến lượt mình, cá chuồn cũng là con mồi của những sinh vật biển khác như cá ngừ, cá heo, hải cẩu và bạch tuộc. 

Mùa cá chuồn “bay” 

Phần lớn thời gian, cá chuồn thường bơi ở sát mặt nước để có thể nhanh chóng phóng ra khỏi mặt nước và xòe rộng vây ngực, đuôi rồi bay lên không trung ngay khi cảm nhận được sự nguy hiểm. Nếu không có gì bất thường sau đó, chúng sẽ gập vây lại và quay trở lại dưới nước hoặc dùng mặt nước làm bệ đỡ để kéo dài chuyến bay hoặc đổi hướng. 

Khi cá chuồn bước vào mùa giao phối, người ta có thể thấy hàng triệu con cá chuồn tập hợp lại. Từ tháng 12 đến tháng 6, đôi khi giữa tháng 7 và tháng 11 là thời điểm mà số lượng cá chuồn bay lớn nhất. 

Vào mùa cá chuồn bay, người dân ở nước ta, cụ thể là từ khu vực Đà Nẵng vào đến Bình Thuận sẽ bước vào mùa thưởng thức những món ăn thơm ngon từ cá chuồn. 

Cá chuồn có màu săc óng ánh. Ảnh: flickr.com

Thịt cá chuồn không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn như: Gỏi cá chuồn, cá chuồn nấu canh lá giang, cá chuồn kho cà, cá chuồn hấp, cá chuồn nướng ăn kèm rau lẻ (cây sa sâm),...  

Ở những vùng biển tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, người dân thường dùng cá chuồn làm thực phẩm tích trữ cho mùa mưa bão như món cá chuồn muối mặn, cá chuồn thính hoặc phơi khô,... 

Dù chẳng phải là một thực phẩm đắt tiền, nhưng chính sự dân dã trong tên gọi, hương vị và cách chế biến đã khiến cá chuồn trở thành một món ăn gắn chặt với ký ức của nhiều người con xa xứ.  

Ngày nay, giá trị của cá chuồn không chỉ dừng lại ở vật chất, dù giá thành của chúng hiện tại đã lên đến 35.000 - 60.000 đồng/kg mà còn nằm ở khía cạnh văn hóa bởi loài cá độc đáo này đã trở thành biểu tượng của giao lưu hàng hóa biển ở nước ta và được ghi lại bằng câu ca dao thân thuộc: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. 

Nguyệt Hoa