Cá giò nấu lá thông gai
Những buổi trưa oi bức mà trong mâm xuất hiện một bát canh cá giò nấu với lá thông gai còn bốc khói thì không gì khoan khoái bằng.
Thông gai là một loại cây dại thường leo lên hàng rào quanh nhà. Tuy không được ai chăm sóc, nhưng nó có sức sống mãnh liệt và phát triển rất nhanh. Nếu như các loại cây khác trong vườn vào những trưa nắng héo sầu và rũ rượi, thì cây thông gai lại kiên cường trườn ra và đem màu xanh ngăn ngắt của mình đón lấy những tia nắng gay gắt của mặt trời. Không rõ tên gọi chính xác của nó là gì, nhưng có lẽ vì thân của nó có những cây gai nhọn bám quanh nên người dân quê tôi mặc nhiên gọi nó là cây thông gai. Lá thông gai khi sờ vào có cảm giác nham nhám bàn tay, khi vò nhẹ đưa lên ngửi có mùi chua chua, và thường được dùng nấu canh với cá biển mà đặc biệt là cá giò thì ngon tuyệt.
Cá giò có thân hình dẹp gần giống như cá liệt, màu vàng nhạt và lấm tấm những đốm xanh. Loại to nhất bằng bàn tay, loại nhỏ cỡ hai ngón tay. Cá giò lớn người ta thường dùng nấu canh với thơm, cà chua hay khế đều được, còn cá giò nhỏ thì nấu với lá thông gai. Khi lưới được nhiều cá giò nhỏ, ngư dân còn dùng làm mắm, gọi là mắm cá giò. Mắm có hương vị rất đặc trưng, ăn kèm với bún tươi thì ngon hết sẩy. Dân quê tôi rỉ tai nhau, ăn cá giò có thể chữa được bệnh mất ngủ, chính vì thế mà khi vào mùa, những mớ cá giò tươi rói luôn có sức hấp dẫn đối với các mẹ, các chị khi đặt chân vào hàng cá.
Nấu canh cá giò với lá thông gai rất đơn giản. Bắt nồi nước lên, đun sôi, cho cá giò đã làm sạch vào, nêm gia vị, tiếp đến cho lá thông gai vào, tắt bếp. Khi múc canh ra tô, rắc lên vài cọng hành ngò để thêm phần bắt mắt. Trời nóng hừng hực, húp một thìa canh vào miệng, cảm giác cái nóng trong người dịu đi rất nhiều.