Cá hồi biến đổi gene ở Mỹ gây tranh cãi
Chính phủ Mỹ chính thức thông qua kế hoạch sản xuất cá hồi biến đổi gene, động vật chỉnh sửa gene đầu tiên được dùng làm thức ăn cho con người.
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cá hồi được biến đổi dựa trên gene của hai loại cá khác nhằm thúc đẩy tốc độ sinh trưởng, là nguồn thức ăn an toàn và dinh dưỡng như mọi loài cá hồi Đại Tây Dương trong tự nhiên khác.
Quá trình nhân giống và nuôi lớn cá hồi biến đổi gene diễn ra ở các cơ sở an toàn trên đất liền thuộc Canada và Panama để ngăn những con cá hòa lẫn vào môi trường hoang dã.
AquaBounty, công ty sinh học đứng sau cá hồi biến đổi gene, cho biết quyết định phê duyệt của chính phủ Mỹ có tác động quan trọng, giúp cung cấp nguồn thức ăn lành mạnh và dinh dưỡng đến người tiêu dùng mà không phá hủy đại dương và các môi trường sống dưới biển khác.
Cá hồi biến đổi gene mang vật liệu gene lấy từ hai loài cá khác - cá hồi Chinook và cá nheo biển - cho phép chúng lớn nhanh gần gấp đôi cá hồi thông thường với lượng ăn ít hơn. Theo dự kiến, cá hồi biến đổi gene sẽ không có mặt ở các cửa hàng trong hai năm tới, FDA không biết chắc các cửa hàng bán lẻ có muốn bán loại cá này và người dân có chấp nhận nó hay không.
Những người chỉ trích nhấn mạnh cá hồi biến đổi gene có thể gây hại cho môi trường. Ảnh: Reuters.
Những người chỉ trích cho rằng cá hồi biến đổi gene có thể gây hại cho môi trường và ngành công nghiệp đánh bắt cá hồi hoang dã. Lisa Archer, giám đốc chương trình thực phẩm và công nghệ của Tổ chức bảo vệ môi trường Friends of the Earth, phê phán quyết định của FDA là thiếu sót và vô trách nhiệm.
"Cá biến đổi gene không có chỗ trong bữa tối của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động để đảm bảo thị trường, từ người bán lẻ rau quả đến các nhà hàng, đứng về phía phần đông khách hàng không muốn ăn loài cá biến đổi gene chưa được nghiên cứu đầy đủ này", Archer nói.