TIN THỦY SẢN

Cả làng giữ đầm để đòi bồi thường

Người dân trong làng tập trung ra đầm để yêu cầu địa phương làm rõ việc bồi thường khi làm dự án. Ảnh: TĐ Đăng Tuyền

Dân làng cho rằng địa phương bồi thường cho một cá nhân là sai vì đây là tài sản chung của dân làng.

Gần một tháng nay, hơn 3.000 người dân ở làng Kinh Triều (xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) thay nhau ra ở trên một khu đất đầm khoảng 103 ha tại đầm Chấu (thuộc đảo Vũ Yên). Họ cho rằng khu đất đầm cùng những tài sản trên đó là do dân làng kiến tạo. Tuy nhiên, khi làm dự án, huyện lại lên phương án bồi thường cho một cá nhân khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đầm do làng tạo lập

Theo trình bày của trưởng làng, ông Nguyễn Hữu Quanh và những người dân: Năm 1941, những người dân trong làng đã quai đê, khoanh vùng khai thác đánh bắt thủy hải sản tại đầm Chấu. Năm 1964, công trình cơ bản hoàn thành. Hằng năm người dân vẫn làm công tác tăng cường gia cố tu bổ thân đê để tăng độ chắc chắn.

Sau đó, công trình đầm Chấu được HTX Đà Nẵng, thôn Kinh Triều khai thác sử dụng. Năm 1998, chuyển đổi mô hình kinh tế, HTX Đà Nẵng được cộng đồng dân cư làng Kinh Triều giao cho HTX dịch vụ nông nghiệp Kinh Triều quản lý, khai thác. Nguồn lợi thu được từ việc khai thác sản xuất, kinh doanh khu đất đầm sau khi trừ các khoản dịch vụ và nghĩa vụ thuế được dùng xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ dân làng Kinh Triều và hỗ trợ một phần mai tang phí khi người dân làng Kinh Triều qua đời. Việc này được thể hiện trong tất cả nghị quyết của Đảng bộ xã Thủy Triều và trong quyển hương ước của làng Kinh Triều (được chủ tịch UBND xã Thủy Triều và phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên xác nhận).

Bồi thường sai đối tượng

Ngày 13-5, huyện Thủy Nguyên ra quyết định (số 1822) thu hồi 103 ha đất nuôi trồng thủy sản đầm Chấu để thực hiện dự án. Tại thời điểm huyện ra quyết định thì 103 ha đất trên đang được HTX dịch vụ nông nghiệp Kinh Triều cho hộ xã viên Nguyễn Văn Hai thuê, thầu lại để nuôi trồng thủy sản (có hợp đồng thuê thầu). Tuy nhiên, khi bồi thường thì huyện lại chi trả cho ông Hai.

Ông Hai thừa nhận: “Tôi đã nhận đủ 19 tỉ đồng tiền bồi thường của UBND huyện Thủy Nguyên nên dự án mới được tiến hành trên đó”.

Cũng theo bản phương án bồi thường cho hộ ông Nguyễn Văn Hai thì toàn bộ tài sản trên khu đầm bao gồm hàng trăm loại tài sản kiên cố như cống nước thông đầm, cống nước xây đá, mộ đất, đất vật lập… đều được xác định là của ông Hai.

Đại diện dân làng cho rằng: “Quá trình thi hành quyết định này không được sự đồng tình, nhất trí của người dân trong làng Kinh Triều. Việc bồi thường không đúng đối tượng. Việc bàn giao tài sản chúng tôi thấy lén lút, mờ ám… Chính vì vậy xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp Kinh Triều và cộng đồng dân cư làng Kinh Triều tự tập trung tổ chức ra đầm để trông coi và bảo vệ tài sản của mình. Mong chính quyền địa phương có một phương án giải quyết rõ ràng để người dân rút lều, trại về làm ăn yên ổn…”.

Đại diện huyện trả lời không rõ ràng

Sáng 15-12, Pháp Luật TP.HCM đã có buổi làm việc với UBND huyện Thủy Nguyên về vấn đề trên. Chủ tịch UBND huyện cử ông Lê Anh Thân, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên, làm việc với PV.

Chúng tôi đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu Trung tâm Quỹ đất cũng như Phòng TN&MT huyện Thủy Nguyên lên phương án bồi thường cho hộ ông Nguyễn Văn Hai? Tại sao trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Thủy Nguyên do chủ tịch UBND huyện ký là thu hồi 103 ha đất nuôi trồng thủy sản (đất nông nghiệp) nhưng khi giải thích với bà con làng Kinh Triều thì phó chủ tịch huyện - ông Nguyễn Huy Hoàng lại cho rằng đây là đất có nguồn gốc bãi bồi ven sông, không thuộc quỹ đất nông nghiệp thực hiện giao quản lý lâu dài? Vấn đề xác định chủ kiến tạo nên tài sản đất và chủ sử dụng có làm công khai và rõ ràng trước khi lên phương án bồi thường chưa?

Tuy nhiên, ông Lê Anh Thân cho rằng PV “áp đặt” những câu hỏi cho ông Thân nên ông Thân không làm rõ vấn đề. PV hai lần đề nghị ông Thân nói rõ các căn cứ nhưng ông Thân vẫn chỉ xoay quanh vấn đề: “Chúng tôi không phủ nhận 103 ha đất đầm Chấu là đất nông nghiệp. Đất này có nguồn gốc đất bãi bồi ven sông”. Những vấn đề khác, ông Thân không trả lời!

Đăng Tuyền Báo Pháp luật TPHCM, 16/12/2015