Cá linh non đầu mùa lũ hút hàng
Lũ về sớm, mang theo nguồn cá linh non tự nhiên cho các tỉnh vùng đầu nguồn sông Mê Kông khá lớn, một món ăn rất khoái khẩu nhiều người dân ĐBSCL và khách thập phương.
Chiều 30-7, một số tiểu thương buôn bán cá ở chợ Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết, khoảng 3 ngày nay cá linh non được khai thác ở nước bạn Campuchia và một số nơi ở vùng đầu nguồn ĐBSCL… được thương lái đưa về đây tiêu thụ.
Do số lượng cá linh non mới đầu mùa lũ chưa nhiều nên có giá tới 150.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ cá linh non để bán.
Cá linh non đầu mùa lũ rất ngon, xương mềm, béo, có thể kho lạt ăn với bông điên điển, hoặc nấu lẩu chua, kho mắm, chiên giòn… đều ngon.
Ông Đoản Ngọc Anh, ở huyện biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tâm sự: “Từ sau trận lũ lớn vào năm 2011, đến nay đã hơn 5 năm liên tục đều lũ nhỏ, nên cá linh từ thượng nguồn về rất ít. Năm nay, lũ về sớm và dự báo lớn hơn các năm trước, nên nông dân vùng lũ đã và đang chuẩn bị khai thác cá linh để mưu sinh. Đây là một trong những nguồn lợi thủy sản, giúp bà con vùng đầu nguồn này có thu nhập tương đối trong mùa lũ. Bình quân mỗi hộ kiếm được vài trăm ngàn đồng, nếu trúng thì được vài triệu đồng/ngày”.
Cá linh non đầu mùa lũ đã về
Cũng theo ông Đoàn Ngọc Anh, thông thường cá linh non chỉ được giá cao vào lúc đầu mùa lũ. Nếu năm nào lũ lớn thì từ khoảng giữa tháng 8 trở đi cá linh sẽ nhiều và cá bắt đầu lớn nên giá sụt giảm trở lại, còn khoảng 40.000- 60.000 đồng/kg. Đến tháng 9, tháng 10, nhiều hộ khai thác cá linh để bán cho người dân làm nước mắm và giá tiếp tục sụt xuống còn khoảng 15.000- 25.000 đồng/kg...
Nhiều năm qua, cá linh được xem là một đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho vùng ĐBSCL mỗi khi lũ về. Tuy nhiên, để đảm bảo việc khai thác nguồn lợi cá linh bền vững thì một số địa phương ở ĐBSCL, trong đó có An Giang đã chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm soát việc tự ý bắt cá linh trong giai đoạn từ đầu tháng 6 cho đến cuối tháng 8. Đối với năm nào lũ về sớm và nước nhiều thì ngành chức năng sẽ rút ngắn thời gian cấm khai thác cá linh non, nhằm tạo điều kiện cho người dân vùng lũ mưu sinh.