Cá lóc ghẻ lở, chảy máu toàn thân vì ao mặn nặng
Không chịu được độ mặn cao, nhiều diện tích ao nuôi cá lóc ở 3 xã thuộc huyện Trà Cú (Trà Vinh) bị thiệt hại nặng nề.
Anh Nguyễn Văn Hải, ngụ ở ấp Rạch Cá, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú cho biết, 1 tháng nữa, ao cá lóc 800m2 của gia đình mới thu hoạch nhưng hiện nay đã có hàng trăm con nổi lừ đừ trên mặt nước. Anh Hải phải dùng vợt bắt lên bờ, tránh lây lan sang con cá khác. Những con cá này có tình trạng chung là vảy, vây bị ghẻ lở, tổn thương ở nhiều vị trí.
Cá lóc bị tróc vảy, chảy máu toàn thân.
“Tôi thả nuôi 3 ao cá lóc, đến nay đã thả nuôi được 4 tháng, còn 1 tháng nữa là thu hoạch, ước đạt từ 10-15 tấn cá/ao. Tuy nhiên, đã có 100 kg cá được vớt lên bờ vì bị bệnh lạ. Con bị bệnh nhẹ thì chỉ bị lở, tróc vảy ở một vài vị trí, con bị nặng thì bị chảy máu toàn thân” – anh Hải nói.
Cũng như anh Hải, nhiều người dân nuôi cá lóc khác cũng gặp tình tương tự khi lấy nước từ sông nhiễm mặn cho vào ao nuôi cá.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng gì xã Hàm Tân, người dân nuôi các lóc ở 2 xã Định An và Đại An cũng khóc ròng vì cá lóc đang nuôi đột ngột nổi đầu, chết bất thường.
Người dân phải vớt cá lóc ra khỏi ao để tránh bệnh lây lan sang con khác.
Anh Võ Văn Lào, cán bộ nông nghiệp xã Định An cho biết, có 14 hộ dân trên địa bàn xã nuôi cá lóc bị thiệt hại nặng, trong đó bị thiệt hại nặng nhất là hộ ông Trần Văn Tiến (ấp Giồng Giữa) có diện tích thả nuôi là 500m2 và hộ ông Nguyễn Văn Nam (ngụ cùng ấp Giồng Giữa) có diện tích thả nuôi gần 700m2. Cũng theo anh Lào, một số ao nuôi chưa xảy ra hiện tượng cá nổi đầu thì người nuôi phải “bấm bụng” bán cá non.
Về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, anh Lào cho rằng, do độ mặn trong nước lên đến 12-13 ‰ khiến cá ngừng tăng trưởng (cá sẽ ngừng tăng trưởng khi nước có độ mặn ở mức 10 ‰). Hơn nữa, do mặn tăng cao ở các con sông nên người dân không dám bơm chuyền nước vào ao, lâu ngày chất thải của cá, thuốc, thức ăn dư thừa,…cũng sẽ làm cá bị ngộ độc.
Theo Phòng NNPTNT huyện Trà Cú, hiện nay, cán bộ nông nghiệp huyện đang rà soát, thống kê thiệt hại của những hộ dân nuôi cá lóc. Trong số những hộ dân bị thiệt hại có nhiều hộ nuôi tự phát không theo quy hoạch (do giá cá lóc tăng, lợi nhuận cao trong vài năm qua).
Nhiều ao nuôi đã được thu hoạch sớm, chờ đến sau tháng 6, nước mặn không còn mới thả nuôi.
“Theo dự báo độ mặn sẽ còn kéo dài cho đến tháng 6 nên cá lóc sẽ tiếp tục chết, số thiệt hại còn tăng” - Ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Trà Cú cho biết.
Theo Sở NNTNT tỉnh Trà Vinh, Trà Cú là một trong những địa phương có diện tích và số hộ nuôi cá lóc nhiều nhất của tỉnh. Cá lóc là đối tượng dễ nuôi, ít dịch bệnh nhưng do độ mặn tăng cao đột ngột, người nuôi không chủ động được nguồn nước nên đã dẫn đến những thiệt hại đáng kể.