Cà Mau bức thiết cải thiện giống cua
Tỉnh Cà Mau nuôi cua biển 250.000 ha, hàng năm cho sản lượng gần 25.000 tấn, tạo nguồn thu trên 10.000 tỷ đồng, trở thành một mặt hàng chủ lực chỉ sau con tôm nước lợ. Tuy nhiên, cua Cà Mau phát triển chưa tương xứng tiềm năng và một trong những nguyên nhân là chất lượng con giống suy giảm, đang bức thiết cần cải thiện.
Với người tiêu dùng cả nước, cua Cà Mau đang được xem là ngon nhất Việt Nam. Thịt cua chắc, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao nhờ lợi thế vùng đất ngập nước rộng lớn với hệ sinh thái mặn, lợ có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. Cua Cà Mau sinh trưởng quanh năm.
Trước đây cua chủ yếu nuôi tự nhiên trong rừng đước, những năm gần đây phát triển nuôi xen canh trong vuông tôm, khai thác thêm nhiều lợi thế. Dễ thấy là giữ được sự đa dạng sinh thái, bảo vệ môi trường tốt, cua và tôm phát triển hài hòa, giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập.
Cua Cà Mau đã có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Có thể kể đến Cua Lột ở Năm Căn với việc chủ động kiểm soát nguồn giống, tuyển chọn những con giống khỏe và nuôi bằng thức ăn tự nhiên; không sử dụng thuốc tăng trọng, hóa chất. Nguồn nước nuôi cua qua hệ thống lọc tuần hoàn tạo môi trường an toàn sinh học, không dịch bệnh, phát huy được điều kiện thổ nhưỡng có nhiều ưu thế của vùng Năm Căn cho con cua phát triển.
Thịt cua
Tuy nhiên, nhìn chung ngành cua tỉnh Cà Mau đang có nhiều thách thức, phát triển không ổn định và chưa tương xứng tiềm năng. Thấy rõ nhất là 3 năm liên tiếp gần đây, vào thời điểm giao mùa từ nắng nóng chuyển sang mưa, cua nuôi đều chết bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Hiện nay chưa có giải pháp xử lý triệt để dịch bệnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho hay, quy trình sản xuất giống cua biển chưa thật sự ổn định, nguồn cua bố mẹ không được kiểm soát nên chất lượng con giống không đảm bảo. Vì vậy, tỷ lệ cua giống sống ngày càng thấp, cua nuôi tăng trưởng chậm, kích cỡ cua nuôi khi thu hoạch nhỏ dần qua các năm.
Để phục vụ diện tích nuôi trên 250.000 ha, hiện Cà Mau có 523 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua; có 7 tổ hợp tác, hợp tác xã và 300 cơ sở ương dưỡng nhỏ lẻ. Trong đó, khoảng 70 trại chuyên sản xuất cua giống với sản lượng đã đạt 1 tỷ con vào năm 2022, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi trong tỉnh và còn cung cấp cho các tỉnh lân cận.
Đáng quan tâm nhất là việc sử dụng nguồn cua bố mẹ chưa qua chọn lọc còn có nguy cơ lai cận huyết và thoái hóa giống. Đa số các trại sản xuất cua giống kế thừa từ trại sản xuất tôm giống, nên chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Trong lúc, việc kiểm soát chất lượng cua giống trên thị trường lại thiếu chặt chẽ.
Nuôi cua trong rừng đước Cà Mau
Nhằm nâng cao chất lượng cua giống, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất cua giống chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất. Khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng cua giống, nhằm chủ động được con giống nhân tạo có chất lượng để nâng cao hiệu quả nghề nuôi cua. Tập trung nghiên cứu chọn tạo đàn cua bố mẹ có tính trạng tăng trưởng nhanh, sức sinh sản cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau và Tập đoàn Việt Úc đã phối hợp với Viện CSIRO Úc gia hóa thành công con tôm sú tới đời thứ 7. Từ kết quả với giống tôm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với Tập đoàn Việt Úc tiếp tục mở rộng gia hóa giống cua biển. Hy vọng sự hợp tác quốc tế sẽ tạo được đột phá cho việc sản xuất cua giống.
Ðề án Phát triển bền vững nghề cua của tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi 258.000 ha; năng suất bình quân 0,1 tấn/ha, sản lượng 27.500 tấn. và năng lực sản xuất cua giống đạt 1,25 tỷ con, đáp ứng 100% nhu cầu.
Ðến năm 2030, ổn định diện tích nuôi 265.000 ha, năng suất bình quân 0,11 tấn/ha, sản lượng 30.000 tấn và năng lực sản xuất cua giống 1,4 tỷ con, đáp ứng 100% nhu cầu thả nuôi.