Cà Mau đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kinh tế biển
Sau 11 giờ trưa, khu vực cống Hương Mai mỗi lúc một đông hơn; người nhà, tiểu thương tề tựu lại đây đón những chuyến tàu khai thác đang lần lượt cập bờ - thời khắc được mong đợi nhất trong nhịp sống hàng ngày của người dân nơi đây.
Nhắc đến biển Cà Mau, nhiều người sẽ nhớ ngay đến Sông Ðốc, Khánh Hội, Cái Ðôi Vàm hay Bồ Ðề, những cửa biển có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của ngành thuỷ sản nói riêng. Song song đó, cũng không thể bỏ qua tầm quan trọng và giá trị của hơn 80 cửa biển, cửa sông thông ra biển còn lại của tỉnh. Cửa biển Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) là một trong số đó.
Trong hành trình dọc theo các cửa biển từ Ðông sang Tây, một điểm chung rất dễ nhận thấy tại tất cả các cửa biển nhỏ là đa phần ngư dân có đời sống còn khó khăn, phương tiện nhỏ, chủ yếu khai thác gần bờ theo kiểu sáng ra, chiều vào. Họ cũng là những ngư dân yêu nghề, luôn ấp ủ khát khao cháy bỏng là được vươn khơi bám biển.
Cũng như ở bao cửa biển nhỏ khác, ngư dân tại Hương Mai vẫn ngày đêm bám biển để mưu sinh với nghề khai thác chủ yếu là lưới và đánh bắt gần bờ, tuy vất vả nhưng cuộc sống vẫn không được đủ đầy như bao người.
Ðang miệt mài, bận rộn với công việc gỡ lưới nhưng anh Trần Văn Bảo vẫn tranh thủ đôi phút trải lòng chia sẻ khó khăn về nghề. Rằng mỗi chuyến ra khơi mang lại thu nhập đủ ăn đủ sống hàng ngày, do đó, khi gặp lúc thời tiết mưa gió, tàu neo bờ vài ngày là gia đình thiếu trước hụt sau liền. “Ðó là lý do vì sao làm nghề đã gần 15 năm mà không có dư để nâng cấp ngư cụ, tàu thuyền”, anh Bảo bộc bạch.
Tàu khai thác nhỏ, cuộc sống khó khăn, phụ thuộc vào mùa vụ và thời tiết là những điểm chung nhất của ngư dân dọc theo các cửa biển nhỏ hiện nay. Chính vì phương tiện nhỏ, thiết bị thô sơ và còn phụ thuộc vào thời tiết, nên anh Bảo cho rằng nghề biển hiện nay nhiều rủi mà ít may, có người thu tiền triệu một ngày nhưng cũng có người lỗ, có hộ khá lên nhưng cũng có hộ lâm cảnh nợ nần phải bán tàu, bỏ nghề đi làm thuê.
Những người có phương tiện tàu khai thác nhỏ như anh Bảo không chỉ khó khăn trong hành trình mưu sinh trên biển, mà còn là đối tượng dễ bị tổn thương khi thời tiết có mưa bão. Theo thống kê của các địa phương có biển, toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 phương tiện đánh bắt thuỷ sản dưới 30CV do địa phương quản lý, thuộc diện phải chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, việc chuyển đổi nghề hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Và vì thế, dù nắng mưa, gió bão, hễ thấy được là họ lại ra biển để mưu sinh, đối đầu với hiểm nguy. “Hàng năm, bắt đầu từ tháng 6 âm lịch là khoảng thời gian thường xảy ra sóng to, gió lớn, biển động, phương tiện của ngư dân phải nằm bờ. Vào thời gian này ra biển sợ lắm, nhưng không làm nghề này thì biết làm nghề gì nuôi gia đình”, anh Bảo trần tình.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong năm 2021 có khả năng xuất hiện khoảng 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Ðông. Ðặc biệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra như dông, lốc, mưa lớn cục bộ, sét đánh, gió giật mạnh... sẽ xuất hiện nhiều trong thời kỳ chuyển mùa. Cà Mau là tỉnh được cho là đang phải chịu tác động nặng nề nhất của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Hơn bao giờ hết, người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là ngưới dân ven biển, cần nâng cao nhận thức và chủ động các biện pháp phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại.
Theo chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh, mục tiêu đề ra là đến năm 2030, các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 30-35% tổng thu ngân sách. Theo đó, tỉnh đang đẩy mạnh mời gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn, hạ tầng Khu công nghiệp Sông Ðốc; tiếp tục ưu tiên đầu tư các cụm kinh tế ven biển như: Tân Thuận, Rạch Gốc, Cái Ðôi Vàm, Ðá Bạc, Khánh Hội… Ðồng thời, từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện, các xã, thị trấn ven biển và kết nối với các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển nhanh và bền vững.