Cà Mau: Hiệu quả đem lại từ nuôi tôm quảng canh
Là đơn vị đi đầu trong việc nuôi tôm sú theo quy trình quảng canh cải tiến ít thay nước của TP. Cà Mau, Tổ hợp tác (THT) sản xuất ấp 6 (xã Tân Thành, TP. Cà Mau) đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
THT sản xuất ấp 6 được thành lập tháng 10 năm 2014 với 33 tổ viên, có diện tích hơn 50ha đất nuôi tôm. Trong đó, hộ có diện tích đất nuôi tôm ít nhất là 0,5 ha và hộ có diện tích đất nuôi tôm nhiều nhất 04 ha.
Nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước
Sau khi thành lập, được sự hỗ trợ, hướng dẫn tích cực của các kỹ sư nuôi trồng thủy sản, sự động viên của chính quyền địa phương, các thành viên được tập huấn về quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước và các thành viên đã có sự đồng thuận cao trong việc thực hiện quy trình.
Theo đó, các thành viên tiến hành cải tạo vuông nuôi như sên vét kênh mương, dọn cỏ, gia cố bờ bao, tu sửa cống, diệt cá tạp, phơi mặt vuông…. đều theo quy trình hướng dẫn của kỹ sư. Đặc biệt, các thành viên tập trung làm bờ bao bằng cơ giới để giữ được nước bên trong vuông nuôi không rò rỉ ra bên ngoài.
Theo bà Phạm Thị Hoa, thành viên THT sản xuất ấp 6, sau khi cải tạo vuông xong, cho nước vào vuông nuôi qua túi lọc, diệt khuẩn, cấy vi sinh, gây màu nước. Khi các yếu tố môi trường (độ pH, độ trong, độ kiềm, nhiệt độ, màu nước) ổn định mới thả tôm giống.
Tôm giống tốt nhất nên được xét nghiệm bằng PCR tại các trung tâm được công nhận. Chỉ chọn lô tôm được chứng nhận sạch các loại bệnh do virus: đốm trắng, đầu vàng, MBV (bệnh còi)… để thả nuôi. Tôm giống thả vào ao ươm hoặc vùng lưới mành bao lại một khu vực như ao ươm trong vuông nuôi để thả tôm vào.
Ông Tăng Diên Hồng, thành viên của THT sản xuất ấp 6 cho hay, vụ tôm nuôi đầu tiên, do chưa nắm vững quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước nên có nhiều thành viên trong THT ấp 6 chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của kỹ sư nuôi trồng thủy sản của tỉnh, các tổ viên đã nắm vững được quy trình nuôi tôm này.
"Đặc biệt nên cấy vi sinh theo định kỳ để làm sạch môi trường, cũng như tái tạo thức ăn tự nhiên cho tôm trong vuông nuôi. Từ đó, các thành viên trong THT sản xuất ấp 6 đã thành công cho đến nay” ông Hồng nói.
Mang lại hiệu quả cao
Đến nay, vụ tôm nuôi của THT sản xuất ấp 6 đã mang lại hiệu quả khá cao, điển hình như: thành viên Huỳnh Thanh Tuấn với diện tích 01 ha thu nhập được 100 triệu đồng, thành viên Nguyễn Quốc Điền với diện tích 02 ha thu nhập được 200 triệu đồng, tổ phó Phạm Mười Một với hơn 01 ha thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng… Đặc biệt nhất là thành viên Tăng Diên Hồng, với gần 03 vuông nuôi tôm, mỗi tháng thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng.
Lãnh đạo xã Tân Thành nhận xét, từ khi chuyển qua thực hiện quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến ít thay nước, tôm nuôi ở đây đạt hiệu quả từ 70% trở lên so với trước. Quan trọng hơn nữa là vuông nuôi tôm của thành viên liền cạnh với nhau và cùng nhau giữ nước, không thoát ra ngoài nên tôm nuôi trong THT sản xuất của ấp 6 luôn đạt hiệụ quả rất cao và bền vững.
"Từ mô hình của ấp 6, đã nhân rộng ra nhiều nơi trong xã. Hiện nay, toàn xã Tân Thành có 06 THT sản xuất nuôi tôm theo quy trình quảng canh cải tiến ít thay nước. Qua đó đã giúp được nhiều người dân địa phương có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo”, lãnh đạo Hội Thủy sản xã Tân Thành nói.