TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Nguồn nước nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm nặng

Sông ô nhiễm ở Cà Mau

Người dân Cà Mau rất lo lắng trước tình trạng nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên các kênh rạch bị ô nhiễm.

Thời gian gần đây, hàng trăm hộ dân sống tại khu vực xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau rất lo lắng trước tình trạng nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản trên các kênh rạch bị ô nhiễm. Tình trạng này xuất hiện khá nhiều tại tuyến kênh Mười Rưỡi thuộc ấp Hà Phúc Ứng và kênh 21 thuộc ấp 18, đều nằm trên địa bàn xã Biển Bạch, huyện Thới Bình.

Nguyên nhân được xác định là do các tàu, ghe có tải trọng lớn vận chuyển mía và keo lai từ các địa phương khác đi ngang qua gây nên. Do vậy, người dân trong các khu vực này đã phản ứng bằng cách tự ý xây các cây cầu bằng cây gỗ tạp địa phương nhằm ngăn không cho phương tiện thủy có động cơ lớn chuyên dùng chở keo lai và mía tiếp tục được đi qua khu vực này.

Theo tìm hiểu, các hộ dân nơi đây đa phần sống bằng nghề nuôi tôm quảng cảnh và trồng lúa trên đất nuôi tôm. Vì thế, nguồn nước ô nhiễm đã gây không ít khó khăn trong vấn đề nuôi tôm và cải tạo ao đầm của các hộ dân.

N hiều người dân nơi đây cho biết, mùa khô đang vào giai đoạn đỉnh điểm, nguồn nước trong các ao nuôi cần liên tục được bơm nước vào để duy trì thì tại nhiều tuyến kênh trên địa bàn thường xuyên xuất hiện hiện tượng nước đen, lên bùn khiến người dân không thể bơm nước vào các ao nuôi. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân địa phương.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình đã xác nhận có trường hợp này xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua.

Theo ông Lâm thì sau khi tiếp nhận thông tin Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình đã cử cán bộ xuống cơ sở để phối hợp với địa phương xử lý. Theo đó, đoạn tuyến kênh Mười Rưỡi có độ sâu chỉ hơn 2 mét nhưng đây là tuyến kênh chính được nhiều phương tiện vận chuyển mía từ tỉnh Kiên Giang về Công ty cổ phần mía đường Tây Nam (có cơ sở đóng tại huyện Thới Bình) lựa chọn vì dễ đi và gần hơn so với một tuyến kênh khác khoảng 5-6km.

Để dung hòa lợi ích từ hai bên, UBND huyện đã có chủ trương vận động các phương tiện này không tiếp tục di chuyển qua tuyến kênh Mười Rưỡi mà di chuyển sang tuyến kênh Ranh Hạt nối liền hai huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) và huyện Thới Bình.

Tuy nhiên, công tác này đang gặp khó khăn bởi tuyến kênh Rạch Hạt hiện có đoạn khoảng 4km mực nước rất cạn, các phương tiện có tải trọng lớn gặp nhiều khó khăn khi đi qua. Thế nên huyện Thới Bình cũng đã có chủ trương xin kinh phí để tiến hành nạo vét trong thời gian sớm nhất. Theo ước tính, kinh phí dành cho việc nạo vét đoạn kênh này hơn 800 triệu đồng.

“Riêng đối với việc vận chuyển keo lai qua kênh 21, địa phương đã xác định các phương tiện này chủ yếu từ huyện U Minh di chuyển qua. Thế nên, trong thời gian tới đây, địa phương sẽ phối hợp với huyện U Minh bàn bạc tìm ra giải pháp, làm sao cả hai bên đều bảo đảm được lợi ích của mình. Quan điểm của địa phương việc “ngăn sông, cấm chợ” trong thời gian vừa qua do một số người dân tự ý gây nên là không được tái diễn”, ông Nguyễn Hoàng Lâm cho biết thêm.

TTXVN