TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Nuôi ốc len bảo vệ rừng

Ông Quách Phi Long nuôi ốc len dưới tán rừng. Bài và ảnh: Hiệp Ðoàn

Giải pháp mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ ở Phú Tân là thực hiện phương án thuê người dân trực tiếp quản lý, bảo vệ. Dưới sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ của ngành lâm nghiệp, bà con được nuôi một số loài đặc sản dưới tán rừng với điều kiện không được làm ảnh hưởng đến cây rừng. Trong đó chủ yếu là nuôi ốc len. Hiệu quả kép từ mô hình này mang lại là rừng được bảo vệ tốt, đời sống của nhiều bà con ổn định hơn.

Giữa những năm 2000, ngành lâm nghiệp kết hợp với chính quyền địa phương cho thử nghiệm mô hình nuôi ốc len dưới tán rừng, với phương thức thuê người dân quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ và thả nuôi ốc len. Thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, ốc len cho thu hoạch khá, cây rừng cũng được bảo vệ tốt.

Đời sống ổn định

Ông Quách Phi Long, khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, được thuê giữ 2,5 ha rừng. Mỗi vụ ông thả hơn 2,5 tấn giống. Sau tám tháng, ốc len cho thu hoạch. Tổng thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí gần 100 triệu đồng.

Ốc len sinh trưởng tốt trong điều kiện môi trường tự nhiên dưới tán rừng, thuỷ triều lên xuống, ít hao hụt và không cần chăm sóc hay cho ăn. Ông Quách Phi Long cho biết, ốc len chủ yếu ăn phù sa, người nuôi không cần tác động gì, chỉ quản lý tránh để ốc đi ra ngoài hoặc tràn, trôi khi nước lên. Tỷ lệ hao hụt rất thấp. Điều đáng nói là ốc thích nghi với môi trường tự nhiên, thuỷ triều lên xuống nên thích hợp nuôi dưới tán rừng phòng hộ ven biển này.

Sau thời gian thí điểm, được sự cho phép của tỉnh, đến nay huyện Phú Tân tiến hành triển khai thực hiện xong phương án thuê quản lý, bảo vệ kết hợp nuôi ốc len dưới tán rừng phòng hộ rất xung yếu ven biển trên địa bàn.

Bảo vệ rừng hiệu quả hơn

Diện tích thuê người dân quản lý, bảo vệ gần 200 ha, với 65 hộ, bình quân mỗi hộ hơn 3 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ ven biển thuộc địa bàn xã Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm. Người dân được trả chi phí quản lý, bảo vệ rừng 200.000 đồng/ha mỗi năm. Trong đó, ưu tiên cho những hộ dân có điều kiện kinh tế khó khăn, sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản mé biển, gây hại nguồn lợi thuỷ sản; những hộ nghèo, không nghề nghiệp, chuyên đi mò cua, bắt lịch sống ven rừng, ven biển.

Cùng với ốc len, người dân còn thả nuôi thêm cua, vọp, ba khía... và tận dụng được một số loài thuỷ sản thiên nhiên từ biển vào như cá kèo, cá chẽm giống…

Đời sống ổn định, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của bà con rất tốt, đảm bảo mục tiêu bảo vệ chặt chẽ rừng phòng hộ xung yếu, giảm đáng kể tình trạng túng quẫn làm liều chặt phá cây rừng như trước đây. Từ đó góp phần bảo vệ tốt tài nguyên rừng, tài sản quý giá của quốc gia.

Hiện nay, hệ thống lộ giao thông ở huyện Phú Tân phát triển mạnh, lộ bê-tông đã về đến khu vực rừng, biển xa xôi nơi đây. Do đó, nếu có sự đầu tư hợp lý và với sự quản lý chặt chẽ, từ mô hình này có thể mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, ẩm thực mà thời gian qua Phú Tân chưa có điều kiện phát huy tiềm năng này./.

Bài và ảnh: Hiệp Ðoàn Báo Cà Mau, 24/01/2016