TIN THỦY SẢN

Cà Mau: Quy hoạch trồng lúa trên đất nuôi tôm

Quy hoạch phát triển mô hình tôm lúa Cà Mau. Ảnh minh họa

Đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa - tôm được phát triển mở rộng lên đến 10.000 ha tại 3 huyện thuộc vùng ngọt hóa gồm U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình.

Đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa - tôm được phát triển mở rộng lên đến 10.000 ha tại 3 huyện thuộc vùng ngọt hóa gồm U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình, với sản lượng khoảng 50.000 tấn, chủ yếu tập trung sản xuất lúa theo mô hình VietGAP.

Tỉnh Cà Mau quy hoạch phát triển sản xuất lúa trên đất nuôi tôm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành hàng lúa chất lượng cao phục vụ chế biến lúa gạo xuất khẩu.

Theo đó, tỉnh chú trọng tổ chức hội thảo, tập huấn và đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác lúa - tôm cho nông dân các huyện quy hoạch sản xuất mô hình sản xuất mang lại hiệu quả ‘‘kép’’.

Vùng đất nuôi tôm có độ mặn cao, vì vậy để nâng hiệu quả mô hình sản xuất lúa - tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trung tâm Giống tăng cường phối hợp để nâng hiệu quả quản lý, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa.

Trong đó, chú trọng hướng dẫn nông dân về quy trình cải tạo mặn, chọn giống lúa thích nghi với vùng đất nhiễm mặn, với điều kiện canh tác lúa - tôm đạt năng suất, chất lượng cao.

Hiện nông dân vùng canh tác lúa - tôm sử dụng rộng rãi giống lúa một bụi đỏ và các giống ngắn ngày như: OM 2517, OM 6677, OM 5451, đây là những giống lúa có khả năng chịu được độ mặn từ 4 – 5 %o.

Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau cho biết, sản xuất lúa - tôm là mô hình thân thiện với môi truờng, mang lại hiệu quả ‘’kép’’. Năng suất lúa bình quân đạt từ 3,5 - 4 tấn/ha, thu nhập trên 15 triệu/ha.

Nhiều hộ dân ở Cà Mau còn có thêm nguồn thu nhập khá cao từ việc thu hoạch tôm sú, tôm càng xanh khi áp dung mô hình sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm.

Đặc biệt, trồng lúa trên đất nuôi tôm ít xảy ra dịch bệnh, giúp nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và phân bón.

Thời gian tới, tỉnh Cà Mau tập trung phát triển cánh đồng lớn ở vùng sản xuất lúa - tôm, đẩy nhanh việc cơ giới hóa trong từng khâu sản xuất, chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, nâng suất và chất lượng của mô hình lúa - tôm.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp trong việc cung ứng giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho sản phẩm lúa đặc sản, lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP theo Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Kim Há/TTXVN