Cá ngừ đại dương: có tiếng mà chưa có miếng
Cuối tháng 1-2016, Việt Nam đã mang 8 con cá ngừ đại dương sang Nhật Bản để đấu giá, và so với lần đấu giá năm 2014, chất lượng sản phẩm của Việt Nam đã cải thiện ít nhiều. Tuy nhiên, sự kiện nói trên cũng chỉ mang tính chất "trình diễn", vì sản lượng cá ngừ Việt Nam thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong nước, hàng năm vẫn phải chi hàng trăm triệu đô la Mỹ nhập khẩu cá ngừ cho tiêu dùng nội địa.
Nhập khẩu cá ngừ tăng
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bốn năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá ngừ đại dương có xu hướng giảm dần. Nguyên nhân là do giá cá ngừ trên thị trường thế giới ngày càng giảm và cạnh tranh tại các thị trường tăng lên. Số liệu của VASEP cho thấy, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đại dương là 470 triệu đô la Mỹ, giảm 3% so với năm 2014.
VASEP cho biết, hiện cá ngừ đại dương của Việt Nam xuất khẩu sang 105 thị trường khác nhau, nhưng sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cá ngừ đóng hộp, đóng bao hoặc đóng túi. Hiện mỗi năm lượng cá ngừ đánh bắt của ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định dao động từ 17.000-18.000 tấn.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội cá ngừ Việt Nam (VINATURA), do lâu nay Việt Nam sử dụng công nghệ đánh bắt và công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém nên đa phần chất lượng thịt cá chỉ phù hợp để chế biến sản phẩm đông lạnh. Đó là lý do vì sao, thế mạnh trong xuất khẩu cá ngừ đại dương là những sản phẩm đóng hộp đề cập ở trên.
Do số lượng và chất lượng không cao, lượng cá ngừ đánh bắt trong nước không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu nên Việt Nam phải nhập khẩu từ nhiều nước khác. Số liệu của VASEP cho thấy, năm 2015, giá trị nhập khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam là 216,4 triệu đô la Mỹ, tăng 14% so với năm 2014. Tính ra, giá trị nhập khẩu cá ngừ đại dương gần bằng nửa giá trị xuất khẩu.
Theo ước tính của VINATURA, trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu từ các nước khoảng 5.000 tấn cá ngừ để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Như vậy, giá trị xuất khẩu mặt hàng cá ngừ đại dương trên thực tế không cao. Từ số liệu nói trên cho thấy, năm 2015, giá trị nhập khẩu cá ngừ đại dương tương đương 46% giá trị xuất khẩu, tức là sau khi trừ đi giá trị nhập khẩu, "thặng dư thương mại" ngành cá ngừ chỉ có 253,6 triệu đô la Mỹ.
Chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản
Theo trang, http://asia.nikkei.com (Nhật Bản), tại thời điểm tháng 1-2016 giá cá ngừ đại dương ở Nhật ở mức trên dưới 3.000 yên Nhật, (khoảng 600.000 đồng/kg), trong khi, tại Phú Yên, giá cá ngừ ngư dân bán cho doanh nghiệp chỉ có 100.000 đồng/kg, tức là thấp hơn 6 lần. Còn so sánh với thời điểm đầu tháng 2-2016, giá cá tại Nhật cao gấp 7,5 lần.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15-2, trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ đại dương của Việt Nam không có tên Nhật Bản. Đây vốn là thị trường tiêu thụ cá ngừ ( cá tươi dùng làm sushi) lớn hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam nhưng vẫn chưa có thể xâm nhập được do chất lượng cá không đáp ứng nhu cầu của người Nhật.
Theo ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch VINATURA, để nâng cao giá trị cho cá ngừ đại dương, Việt Nam đã nhờ Nhật Bản hỗ trợ để thực hiện đề án khai thác đánh bắt cá ngừ đại dương theo chuỗi. Bắt đầu từ tháng 1-2016, đề án bắt đầu hoạt động và kỳ vọng cá ngừ Việt Nam sẽ xuất được sang thị trường này.
Theo đề án, ngoài việc bán công nghệ cho Việt Nam, phía Nhật Bản cũng sẽ chuyển giao kỹ thuật đánh bắt cùng phương pháp bảo quản cá ngừ sao cho thịt cá vẫn còn tươi khi vào đến nhà máy chế biến.
Sau chuyến đi biển đầu tiên của đề án, cuối tháng 1-2016, Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định đã đưa 8 con cá ngừ đại dương (gần 390 kg) sang đấu giá tại Nhật Bản với giá bán cao nhất là 305.000 đồng/kg, so với giá nội địa, giá này cao gấp gần 3 lần tại thời điểm đó.
Theo VINATURA, để cá ngừ đại dương của Việt Nam xuất bán được vào Nhật Bản để làm sản phẩm sushi, Việt Nam còn nhiều việc phải làm và mọi thứ bắt đầu từ đề án đánh bắt và khai thác theo chuỗi mà Việt Nam đang thực hiện dưới sự chuyển giao công nghệ từ đất nước hoa anh đào.