TIN THỦY SẢN

Cá tầm lai “tấn công” cá tầm trong nước

Cá tầm thuần chủng được nuôi tại hồ thủy điện Đa Mi, tỉnh Bình Thuận long giang

Mỗi ngày có từ 2-3 tấn cá tầm Trung Quốc xâm nhập thị trường TP HCM

Nghề nuôi cá tầm đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng nhập lậu cá tầm lai từ Trung Quốc (TQ) đang ảnh hưởng mạnh đến ngành nuôi cá tầm nước lạnh. Chưa hết, để hợp thức hóa, một số người còn nhập lậu cá tầm TQ loại lớn về nuôi tại một số tỉnh ở phía Bắc rồi chỉ sau một vài tuần thả xuống ao là vớt lên mang đi tiêu thụ.

Lọt vòng kiểm tra

Ông Nguyễn Nhật Huy, chuyên kinh doanh cá tầm tại TP HCM, cho biết trước đây, khi có thông tin cá tầm TQ chứa nhiều độc tố nguy hại cho người sử dụng thì lượng hàng nhập về giảm đáng kể. Tuy nhiên gần đây, cá tầm TQ lại tràn về với số lượng lớn, do giá rẻ cũng như vận chuyển không bị kiểm soát như cá tầm nuôi trong nước.

Sân bay Nội Bài mỗi ngày tiếp nhận từ 2-3 tấn cá tầm TQ để vận chuyển vào TP HCM. Điều đáng nói là cá tầm TQ đều được nhập lậu nhưng hầu như không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, kiểm dịch cho dù nó được vận chuyển bằng đường hàng không.

Cá tầm TQ là loại cá tầm lai, được nuôi bằng chất tăng trọng nên lớn rất nhanh do đó thịt bở, khác với cá tầm thuần chủng nuôi tại Việt Nam chắc thịt. Chất tăng trọng  này bị cấm sử dụng tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới do gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Cá tầm TQ còn được dùng chất gây mê để vận chuyển bằng đường hàng không. Hóa chất này có độc hại hay không  thì hầu như đến nay vẫn  chưa được cơ quan chức năng làm rõ.

Doanh nghiệp trong nước đầu tư với quy mô lớn

Hiện trong nước có hơn chục doanh nghiệp nuôi cá tầm nước lạnh, từng doanh nghiệp có quy mô nuôi khác nhau. Trong đó, Tập đoàn Cá tầm Việt Nam có quy mô lớn nhất, vốn đầu tư lên đến 298 tỉ đồng. Từ năm 2007, tập đoàn này triển khai nuôi thử nghiệm và từ năm 2009, tổ chức nuôi tại các hồ thủy điện ở Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Định… Hiện tổng đàn của tập đoàn nuôi tại các hồ hơn 500.000 con. Riêng hồ thủy điện Đa Mi (Bình Thuận) đang nuôi 170.000 con, trong đó có 7.760 con cá tầm giống Beluga ( loại cá tầm quý hiếm, có giá trị cao nhất so với các giống khác). Hồ Đa Mi hiện đang nuôi cá tầm Beluga với số lượng lớn nhất. 

Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam, cho biết để thành lập trung tâm giống, tập đoàn đang đầu tư nuôi cá bố mẹ tại hồ thủy điện Sơn La (diện tích 20.000 ha). Hiện tập đoàn đã ký hợp đồng tại 6 hồ thủy điện với diện tích rất lớn nhưng mới khai thác hơn 1% diện tích. Sau khi trung tâm giống ra đời, tập đoàn sẽ tăng diện tích nuôi trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Cá tầm Việt Nam có mã code

Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đang triển khai cung cấp mã code cho khách hàng. Theo đó, các sản phẩm cá tầm của tập đoàn đều có mã code để nhận diện cá tầm Việt Nam. Trên sản phẩm đều có mã code, chỉ cần cào nhẹ lên lớp phủ bạc để biết mã code, sau đó tra cứu bằng cách gửi tin nhắn hoặc trên website:tracuu.catam.vn để biết thông tin về loại cá, trại nuôi, thời gian bắt đầu nuôi.

 

long giang Người Lao Động