Cá tra ĐBSCL: Niềm vui nối tiếp niềm vui
Những ngày đầu năm 2018, tình hình nuôi cá tra ở nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có nhiều khởi sắc khi giá cá tăng, thị trường tiêu thụ có nhiều thuận lợi.
Niềm vui từ giá
Nhiều hộ nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang năm nay sẽ ăn tết lớn vì trúng đậm cá tra; bởi, thời điểm này, giá cá tra đã đạt mức 28.000 đồng/kg. Tại Hậu Giang, địa phương có diện tích nuôi cá cũng thuộc hàng nhất nhì tại khu vực ĐBSCL, hoạt động sản xuất cá tra đầu năm 2018 khá nhộn nhịp nhất là tại HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy). Theo Phó Giám đốc HTX Phạm Hùng Minh cho biết, năm trước, giá cá rớt thê thảm tưởng chừng ai cũng thua lỗ. Nhưng nhờ HTX duy trì được hợp đồng cung ứng thức ăn, làm các dịch vụ nên phần nào hỗ trợ cho các thành viên không bị lỗ hoặc ít bị lỗ. Các thành viên được nợ 50% số tiền thức ăn với công ty; 15 hộ duy trì được ao cá, chỉ có 4 hộ treo ao hoặc cho hộ khác thuê nuôi.
Một hội viên HTX chia sẻ, những năm trước, ông hùn vốn nuôi cá chung với một người bà con trên diện tích 2.000 m2. Tuy nhiên, do năm rồi thua lỗ nên người bà con đã rút vốn khiến ông không đủ tiền đầu tư. Nhận thấy khó khăn của ông, HTX Đại Thắng đã đứng ra bảo lãnh cho ông được mua nợ 50% tiền thức ăn của công ty và trợ vốn nuôi cá. Năm nay, được HTX cho mượn vốn mua thức ăn, cá giống nên ông vẫn tiếp tục thả nuôi, ước sản lượng khoảng 30 tấn, thương lái đã đặt giá 28.000 đồng/kg.
Theo thống kê, diện tích nuôi cá tra của thị xã Ngã Bảy đến thời điểm này là 40,6 ha, tăng 4 ha so năm trước. Mặc dù, tình hình nuôi cá có nhiều biến động, nhưng HTX Đại Thành vẫn cố gắng vượt khó bằng nhiều việc làm cụ thể thông qua các dịch vụ, liên kết. Đồng hành cùng hộ chăn nuôi, ngành chức năng luôn quan tâm hỗ trợ HTX, người nuôi cá tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tập huấn kỹ thuật mới... để người nuôi có lợi nhuận. Đồng thời, HTX cũng thường xuyên cập nhật tình hình giá cả thị trường, kỹ thuật nuôi để giúp người nuôi cá mang lại hiệu quả. Cách làm này cũng là sự động viên, khích lệ tinh thần cho bà con nuôi cá tra tiếp tục có động lực gắn bó với nghề.
Yếu tố thị trường
Năm 2017, xuất khẩu cá tra gặp nhiều thách thức ở các thị trường truyền thống như EU hay Mỹ, nhưng cơ hội đã rộng mở ở những thị trường mới, như Trung Quốc. Bởi, giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này ngày có xu hướng tăng. Theo thống kê, năm 2014, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chiếm 6,4%, năm 2015 là 10,3%, 2016 là 17,8% và năm 2017 tới 40%.
Mặt khác, việc đa dạng hóa sản phẩm cá tra cũng được các doanh nghiệp chú trọng, nhất là sản phẩm từ phụ phẩm cá tra. Điển hình như sản phẩm Dầu ăn cao cấp Ranee của Tập đoàn Sao Mai đã chinh phục được thị trường tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hay DNTN Cỏ May (trụ sở ở Đồng Tháp) được phía Singapore và châu Âu đề nghị mua da cá tra làm sản phẩm ăn liền (snack).
Nếu trước đây giá phụ phẩm chỉ 6.000 - 8.000 đồng/kg thì khi bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm giá đã tăng 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… thì có thể tăng gấp 3 lần, khoảng 22.000 -24.000 đồng/kg; Snack da cá tra tại thị trường Singapore hiện có giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng) cho gói nhỏ 230 g. Mỗi tháng Cỏ May xuất sang thị trường Singapore 50 - 60 tấn da cá. Năm 2018, phía Cỏ May sẽ mở rộng nhà máy, nâng công suất lên cao hơn. Hiện tại lượng hàng xuất đi đã đến mức cung không đủ cầu.
Một trong những yếu tố quan trọng khác trong việc phát triển ngành hàng cá tra trong năm 2018 chính là vấn đề chất lượng con giống. Đến nay cả nước có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích hơn 2.250 ha, sản xuất khoảng 25 - 28 tỷ con cá bột (hơn 2,2 tỷ cá tra giống), tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang.
Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, mục tiêu đến năm 2020, cung cấp khoảng 50% nhu cầu giống cá tra và đến năm 2025 cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra tương đương gần 2,5 - 2,8 tỷ giống cá tra cung cấp cho các địa phương tại khu vực ĐBSCL. Điều này cho thấy tạo được nguồn giống tốt là rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra, do đó việc phải hoàn thiện liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp để tạo ra giống có chất lượng có tính di truyền chọn lọc có khả năng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt tốt... phục vụ cho nuôi thương phẩm là điều cấp thiết hiện nay, để phát huy tiềm năng, thế mạnh và phát triển bền vững thị trường cá tra. Được biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với tỉnh An Giang thực hiện Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp; nhằm chủ động cung ứng nguồn giống chất lượng cho sản xuất cá tra. Hiện, Đề án đã thu hút sự tham gia của một số doanh nghiệp như Tập đoàn Việt - Úc, Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish)…