TIN THỦY SẢN

Cá tra rớt giá, nhiều nỗi lo!

Cá tra đến lứa vẫn được người dân thu hoạch và bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn TP Cần Thơ. Hà Văn

Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến tháng 3-2019, giá cá tra nguyên liệu tại ÐBSCL liên tục giảm mạnh. Người nuôi cá và doanh nghiệp bắt đầu lo lắng thua lỗ trong khi diện tích ao nuôi đang có xu hướng mở rộng. Liệu kịch bản khủng hoảng cá tra có tái diễn?...

Cá tra rớt giá

Những ngày đầu tháng 3-2019, cá tra rớt giá liên tục. Hiện giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL dao động từ mức 23.000-25.000 đồng/kg, giảm 11.000 đồng/kg so với mức giá cao nhất trong năm 2018. Với mức giá này khiến người nuôi rơi vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ do giá cá giống đã đầu tư trước đó quá cao, tỷ lệ hao hụt lớn. Bên cạnh đó, giá cá tra giảm mạnh do thị trường Trung Quốc mua chậm, còn thị trường Mỹ năm trước nhập khẩu tăng đột biến (năm 2018 xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 549,5 triệu USD, tăng 59,5% so với năm 2017) nên lượng hàng tồn kho còn nhiều, dẫn đến giảm nhập khẩu...

Theo ông Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trường Giang (Đồng Tháp), đầu năm Kỷ Hợi, giá cá tra nguyên liệu 29.000 đồng/kg, đến đầu tháng 3-2019 giảm còn 25.000 đồng/kg và 23.500 đồng/kg. Dự đoán, giá cá tra có khả năng tiếp tục giảm mạnh thời gian tới. Điều này khiến người nuôi cá và doanh nghiệp lo lắng vì lỗ nặng. Ông Hàng Văn cho biết: "12 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã có cuộc họp bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn trên. Với mức giá này, doanh nghiệp, người nuôi sẽ thua lỗ nặng, nhưng chúng ta làm cách gì để mức thiệt hại ít lại. Điều cần thiết là chúng ta phải biết được thị trường Mỹ, Trung Quốc đang tồn kho bao nhiêu và hiện chúng ta đang tồn bao nhiêu cá. Từ đó doanh nghiệp có kế hoạch bán, chứ không phải dựa vào giá đơn vị nhập khẩu trả rồi doanh nghiệp quay lại hạ giá người nuôi cá. Bởi, nếu làm như cách này thì không ổn, khó khăn không được tháo gỡ…".

Mặc dù cá tra rớt giá, nhưng các doanh nghiệp không thể ngưng bán hàng, cung cấp sản phẩm cá tra xuất khẩu. Nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra là hoạt động kéo theo công ăn, việc làm của hàng trăm ngàn công nhân và những người nuôi cá. Do đó, vào thời điểm này ngành hàng cá tra cần có kế hoạch ứng phó. Trước mắt, doanh nghiệp, người nuôi cá cần ngân hàng mở rộng tín dụng và kéo dài thời gian cho vay từ 6 đến 9 tháng để doanh nghiệp có thêm thời gian trữ hàng. Đây là một trong những giải pháp ngăn chặn đà giảm giá. Đồng thời, các giải pháp tiếp theo là cần chuẩn bị về con giống, đàn cá đang nuôi có chất lượng tốt và trữ hàng chờ xuất bán…

Nhiều năm qua biến động thị trường cá tra chủ yếu chịu tác động cung - cầu, nhất là khi sản lượng cá nuôi, nhu cầu và cơ cấu thị trường thay đổi. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: Có thể sau khoảng thời gian nhập hàng cuối năm trước (năm 2018), các nhà nhập khẩu của các nước đánh giá lại lượng hàng tồn kho để chuẩn bị kế hoạch đặt hàng. Vì thế, trong tháng 3 này các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ đưa ra kế hoạch đặt hàng. Theo VASEP lúc này người nuôi cá nên bình tĩnh để nhìn nhận đúng khả năng cung ứng cá tra thời gian tới.

Mở rộng thị trường

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 là năm thành công của ngành cá tra Việt Nam, mang lại lợi nhuận khá cao cho cả doanh nghiệp xuất khẩu lẫn người nuôi. Năm 2019, Bộ đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 12% so với năm 2018. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL đang có kế hoạch phát triển vùng nuôi, nhằm tăng sản lượng xuất khẩu trong năm 2019. Đây là vấn đề cần xem xét và mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.

TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, nhận xét: Thị trường nhập khẩu cá tra có sự chuyển dịch thời gian qua, EU có xu hướng giảm từ năm 2009 đến nay; thị trường Mỹ tăng liên tục từ năm 2007-2012, sau đó ổn định; thị trường Trung Quốc và Hong Kong xu hướng tăng liên tục đến nay. Riêng Trung Quốc là thị trường nhập khẩu mới, giá trị và cơ cấu kim ngạch xuất khẩu ngày càng có xu hướng tăng. Từ năm 2017, Trung Quốc vượt qua Mỹ và dẫn đầu nhập khẩu cá tra. Các hoạt động xúc tiến thương mại sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải mà đi sâu vào bên trong nội địa. Mặc dù Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhưng đang là điểm nóng thế giới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, kiểm soát hàng hóa qua tiểu ngạch là một vấn đề đang đặt ra. Hiện nay Trung Quốc cũng đòi hỏi sản phẩm cá trá nhập khẩu phải đảm bảo chất lượng, đồng thời sản phẩm cá tra xuất sang Trung Quốc cũng dần áp dụng theo những tiêu chuẩn khắt khe như thị trường Mỹ và EU (BAP, Global GAP, ASC,…). Do đó, người nuôi, doanh nghiệp cần quan tâm yêu cầu này để mở rộng thị trường.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang tìm cách nuôi cá tra phục vụ nhu cầu nội địa. Ngành cá tra Việt Nam cần đánh giá đúng thực lực, khả năng cạnh tranh sản phẩm cá tra sao cho tốt hơn. Hiện nay cá tra Việt Nam đã được thị trường Trung Quốc chấp nhận, nhiều nhà hàng mua cá tra Việt Nam để chế biến món ăn phù hợp theo nhu cầu tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần có chiến lược, định vị sản phẩm theo hướng tích cực khi bán hàng vào thị trường Trung Quốc.

Ông Trương Đình Hòe ,Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Lúc đầu, sản phẩm cá tra Việt Nam vào thị trường Trung Quốc bán vào chợ, còn nay đã tới nhà hàng. Vừa qua, hệ thống siêu thị quốc doanh lớn ở một số tỉnh vùng cao Trung Quốc cũng đang đặt hàng, tiêu thụ cá tra. Trong khi đó mục tiêu năm 2019 của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng thống nhất tăng cường xuất khẩu cá tra qua đường biển (chính ngạch) để đưa doanh số đạt mức 500 triệu USD từ thị trường nước này. Hiện nay, Việt Nam có hàng trăm nhà máy chế biến thủy sản đủ điều kiện, có giấy phép xuất khẩu vào Trung Quốc nên không còn lo lắng về vấn đề thương lái xuất khẩu cá tra theo đường biên mậu. Trong năm 2018 kim ngạch xuất khẩu cá tra chính ngạch sang Trung Quốc đã chiếm đến 70%. Năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng lớn cho xuất khẩu cá tra…

Hà Văn Báo Cần Thơ