Cá tra trúng giá nhưng vẫn còn lo
Hộ nuôi cá tra, các loại cá bán chợ cũng rất phấn chấn vì so với những năm trước, năm nay giá cá đang ở mức cao. Nhưng đi kèm với giá cao là nỗi lo của nông dân để sản xuất bền vững.
Cụ thể, cá tra thịt loại 1, các doanh nghiệp chế biến thu mua từ 28.500-30.000 đồng/kg (tùy phương thức thanh toán). Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi thấp nhất 5.000 đồng/kg.
“Cá tra thịt có giá, kéo theo các loại cá chợ khác cũng có giá. Cụ thể, cá thác lác cườm thương lái đến tận nơi mua từ 72.000-75.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lãi thấp nhất 12.000 đồng/kg.…” - ông Phan Văn Toản (xã Hòa Lạc, Phú Tân) chia sẻ.
Ông cũng cho thấy băn khoăn: "Mặc dù giá cá đang ở mức cao nhưng nông dẫn vẫn còn nhiều lo ngại bởi không biết mức giá giá sẽ kéo dài được bao lâu; giá cả thất thường như thế này có bao nhiêu người nuôi có lãi? Nông dân mong chờ Nhà nước cũng như ngành Nông nghiệp đưa ra những biện pháp sản xuất mang tính căn cơ để người nuôi cá, người thu mua và cả nhà chế biến đều có lời. Như vậy thì sản xuất mới phát triển mang tính bền vững…”
Những năm qua, để nông sản tiêu thụ được thuận lợi, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tái cơ cấu gắn với tổ chức lại sản xuất. Mục đích của việc làm này là để cung - cầu gặp nhau. Đi cùng với đó là vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để hạ giá thành, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ngành công thương cùng doanh nghiệp đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng như: lúa, cá, rau quả; vận động doanh nghiệp cùng nông dân tham gia "chuối liên kết"… Tuy nhiên, do cách làm chưa “đến nơi, đến chốn” nên nhận thức của nông dân và doanh nghiệp chưa gặp nhau. Cụ thể, trong thực hiện mô hình "Chuỗi liên kết” đối với cá tra, tuy 2 bên đã ký hợp đồng kinh tế nhưng khi giá lúa, cá tra dao động tăng hoặc giảm thì ngay lập tức, việc “bội tín” đã xảy ra. Trong nhiều năm liền việc doanh nghiệp và nông dân “lật kèo” lẫn nhau xảy ra rất thường xuyên. Để nông dân lẫn doanh nghiệp gặp nhau, cùng phát triển thì cần xem xét lại tính chất hợp đồng và các điều khoản đã thỏa thuận. Đồng thời, phân tích cho được vì sao hợp đồng đã ký mà việc “lật kèo” vẫn cứ xảy ra.
Để chuỗi liên kết được thiết thực và lâu dài thì không chỉ có sự tham gia của người nuôi, doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, mà còn có sự theo dõi sát sao của các bộ ngành liên quan.
Giải bài toán tái cấu trúc ngành hàng cá tra chắc chắn có tầm chiến lược hơn nhiều so với việc xử lý nợ nần của doanh nghiệp thủy sản và người nuôi. Yêu cầu đòi hỏi tăng cường liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị thực chất, thương hiệu hóa; tái cấu trúc toàn diện ngành hàng thủy sản gắn với ngành công nghiệp thức ăn, đa dạng hóa sản phẩm.
Nhưng trước mắt là cần rà soát, thải loại các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, quản trị yếu kém để đảm bảo sự lành mạnh, sức cạnh tranh của các tác nhân, tăng cường liên kết lại để ngành hàng cá tra đủ sức đương đầu trước thách thức và hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều khắc nghiệt của cuộc chơi “mạnh được, yếu thua”.
Riêng người nông dân phải trang bị cho mình kiến thức, cần hiểu rõ vai trò của HTX, phân biệt HTX kiểu mới và kiểu cũ, hiểu về luật để bảo về mình trước cuộc chơi khắc nghiệt của thị trường và trước sự làm ăn không đúng đắn của một số doanh nghiệp.