TIN THỦY SẢN

Cá tra Việt Nam cần có thương hiệu để vượt khó

thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm Sáu Nghệ

Chiều 27/9/2024, làm việc trực tuyến với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, có tỉnh ở ĐBSCL đề nghị được ưu tiên bố trí kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung. Vấn đề bức thiết bởi cá tra nước ta đang đối diện nhiều khó khăn, muốn vượt qua cần nâng cao chất lượng chuỗi sản phẩm từ giống đến chế biến xuất khẩu để xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu thị trường. Thực tế, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã thực hiện, đang cần ưu tiên nguồn lực để có kết quả lớn hơn.

Yêu cầu chuỗi sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế 

Những khó khăn thách thức mà ngành cá tra đang đối diện, theo nhiều chuyên gia, chủ yếu là các vấn đề trong nuôi và chế biến. 

Trong nuôi, do nhiều trang trại và hộ nuôi nhỏ lẻ, hạ tầng kỹ thuật yếu, thiếu đồng bộ, bên cạnh là quy hoạch chưa hợp lý. Nên chi phí đầu vào luôn theo chiều hướng tăng, còn giá bán lại chiều hướng giảm, dẫn đến nuôi lỗ.  

Tình trạng nuôi nhỏ lẻ còn dẫn đến sản phẩm cá tra thiếu đảm bảo an toàn thực phẩm. Bởi ao nuôi cá tra nằm giữa khu vực trồng lúa hay vườn cây trái, dễ bị ảnh hưởng thuốc trừ sâu và nước xả từ ruộng vườn. Nguồn nước ô nhiễm lại khiến cá hay mắc bệnh, nhất là bệnh gan thận mủ rất khó trị, càng khiến việc nuôi cá tra dễ thua lỗ. Trong khi, thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm, không chấp nhận cá tra nuôi trong môi trường ô nhiễm. 

Về chế biến xuất khẩu, thị trường yêu cầu doanh nghiệp phải có các giải pháp và công nghệ hợp lý chế biến sản phẩm chất lượng cao, bảo vệ môi trường và những yêu cầu này ngày càng khắc khe. Trong đó có việc chế biến phụ phẩm tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi sản phẩm, không xả thải gây ô nhiễm môi trường. 

Nước ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mở ra nhiều cơ hội cho ngành hàng cá tra nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức về yêu cầu chất lượng sản phẩm phải cao, từ nuôi trồng đến chế biến. Những yêu cầu về chất lượng cao luôn có các bộ tiêu chuẩn quốc tế cụ thể, phải tuân thủ, đòi hỏi minh bạch trong tuân thủ toàn chuỗi. 

Một doanh nghiệp xây dựng thương hiệu 

Các năm qua có nhiều doanh nghiệp nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm và đã đạt được kết quả tích cực. Đơn cử như Công ty Cổ phần Nam Việt ở tỉnh An Giang. 

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt, ông Doãn Tới chia sẻ: “Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cá tra là một chiến lược mang tính sống còn của doanh nghiệp. Khi có thương hiệu, sản phẩm của Công ty đã dễ dàng được chấp nhận ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản giúp ổn định và mở rộng thị phần, tránh được những biến động bất thường”. 

Công ty đã đầu tư mạnh vào việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nuôi đến chế biến, đóng gói. Ở khâu nuôi, Công ty đã có vùng nuôi đạt các chứng nhận GlobalGAP, ASC, VietGAP theo yêu cầu thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. 

Tình trạng nuôi nhỏ lẻ còn dẫn đến sản phẩm cá tra thiếu đảm bảo an toàn thực phẩm

Công ty có nhà máy chế biến thức ăn được chứng nhận GlobalGAP, phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam, đáp ứng các điều kiện để xuất khẩu đến những thị trường khó tính. Nhà máy chế biến sản phẩm cá tra của Công ty không ngừng đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Vừa nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống như phi lê đông lạnh, Công ty đã phát triển các dòng sản phẩm giá trị gia tăng như cá tra tẩm bột, cá tra chế biến sẵn, cá tra hữu cơ, chả cá thì là, giò chả cá, chả cá đặc biệt có chất lượng với tiêu chí xanh, sạch, tiện lợi 

Có sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, Công ty tăng cường quảng bá thương hiệu với nhiều hình thức. Nhờ đó, sản phẩm của Công ty đã xuất đi hơn 50 thị trường, được nhiều thị trường như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nam Mỹ đón nhận. 

Tỉnh An Giang xây dựng trung tâm giống 

Tỉnh An Giang có khu vực cù lao giữa sông Tiền là bãi sinh sản tự nhiên của cá tra đã được các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất giống nhiều năm nay. Ngày 10/6/2024, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra vùng ĐBSCL, góp phần xây dựng chuỗi sản phẩm cá tra tạo dựng thương hiệu uy tín trên thị trường.  

Hiện nay, thực hiện Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp vùng ĐBSCL tại An Giang đã có 4 doanh nghiệp đầu tư các vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao, diện tích 442,3 ha. Trong đó, Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc và Công ty TNHH Sản xuất giống Cá tra Vĩnh Hoàn ứng dụng công nghệ sinh học phân tử vào nghiên cứu sản xuất giống, được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; Công ty TNHH Nam Việt Bình Phú được chứng nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Trên cơ sở đó, An Giang đặt mục tiêu: “Trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra của vùng ĐBSCL”. Cụ thể đến năm 2025, xây dựng một chuỗi liên kết cá tra giống chất lượng cao giữa các hộ ương giống với các doanh nghiệp. Đến năm 2030, trở thành trung tâm cung ứng giống cá tra của ĐBSCL, đồng thời chủ động nguồn giống bố mẹ.  

Để thúc đẩy sản xuất giống đạt chất lượng cao, An Giang cũng có kế hoạch phát triển nuôi cá tra tập trung, cụ thể năm 2025 nuôi tập trung 1.500 ha và năm 2030 là 1.600 ha với sản lượng cá tra thương phẩm 500.000 tấn, giá trị trên 10.000 tỷ đồng. Diện tích nuôi có áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận theo yêu cầu của thị trường đạt 70%; và 90% diện tích nuôi cá tra được cấp mã số vùng nuôi.  

Sáu Nghệ