Các bước tiêu hủy thủy sản mắc bệnh, chết vì bệnh
Những năm gần đây, điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, môi trường ô nhiễm, mầm bệnh trong nuôi thủy sản không được người nuôi xử lý trước khi thải ra môi trường khiến cho dịch bệnh trên thủy sản nuôi tăng cao. Một trong những giải pháp để hạn chế dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản được khuyến cáo là phải tiêu hủy đúng cách thủy sản mắc bệnh, chết vì bệnh.
Để tiêu hủy thủy sản mắc bệnh, chết vì bệnh đúng cách, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, người nuôi trồng thủy sản cần thực hiện theo 3 bước:
Bước 1: Yêu cầu khu cách ly và hố xử lý thủy sản
Khu cách ly phải được đặt ở vị trí khô ráo, cách xa khu vực nuôi, nguồn nước cấp, nhà ở và nguồn nước sinh hoạt tối thiểu 50m.
Hố xử lý có hình vuông hoặc hình chữ nhật, sâu tối thiểu 1m. Tùy theo số lượng thủy sản cần tiêu hủy mà thiết kế hố chôn có kích thước phù hợp. Chẳng hạn, nếu cần chôn 1 tấn cá thì hố chôn cần có kích thước là 1,5 - 2m (sâu) x 1,5- 2 m (rộng) x 1,5 - 2 m (dài).
Vật liệu là hố xử lý có thể làm theo kiểu bể xi măng, còn nếu là hố đất thì xung quanh và đáy hố chôn phải được lót kín bằng các vật liệu không thấm nước (như bạt nilon).Trên miệng hố phải có nắp đậy kín và có hàng rào để ngăn chặn động vật xâm nhập và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Bước 2: Vớt toàn bộ thủy sản chết ra khỏi ao ngay khi phát hiện bằng vợt chuyên dụng và cho vào thùng kim loại hoặc thùng nhựa đáy kín và có nắp đậy. Vận chuyển thủy sản chết đến hố chôn (hố tiêu hủy).
Bước 3: Tiêu hủy bằng hóa chất
Loại hóa chất và liều lượng: Sử dụng các hóa chất có tác dụng tiêu độc khử trùng mạnh thuộc danh mục hóa chất được phép lưu hành tại Việt Nam như chlorine, formol, thuốc tím, vôi bột...
Cách tiêu hủy: Rải một lớp vôi bột xuống đáy hố (1kg/m2), đổ thủy sản vào, phun thuốc sát trùng (ví dụ Chlorine) hoặc rắc vôi bột lên trên, lấp đất nhưng phải đảm bảo lớp đất phủ lên cá phải dày ít nhất là 1m. Đồng thời phun sát trùng khu vực chôn lấp.