TIN THỦY SẢN

Các địa phương trong không khí chào mừng 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản

Các địa phương trên mọi miền đất nước đã và đang phát động nhiều phong trào nhằm kỷ niệm ngày lễ. Ảnh: sonnptnt.namdinh.gov.vn Hồng Huyền

Với ngành thuỷ sản Việt Nam thì ngày 1/4/1959 là ngày có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một dấu mốc quan trọng với ngành thuỷ sản nước ta, chính vì vậy mà các địa phương trên mọi miền đất nước đã và đang phát động nhiều phong trào nhằm kỷ niệm ngày lễ này.

Từ lâu việc tổ chức Ngày truyền thống ngành Thủy sản nhằm gắn liền với các mục đích Giáo dục tình cảm cách mạng yêu quê hương, đất nước, yêu ngành nghề trong cán bộ, công nhân viên và ngư dân ngành Thuỷ sản. Động viên phong trào hăng say lao động sản xuất, xây dựng ngành Thuỷ sản lớn mạnh, góp phần bảo vệ an ninh vùng biển và xây dựng đất nước giàu đẹp. Biểu dương khen thưởng bằng các hình thức thích hợp các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng ngành, lao động sản xuất giỏi và gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. 

Việc tổ chức Ngày truyền thống ngành Thuỷ sản hàng năm phải thiết thực, có hiệu quả, bằng những hoạt động phong phú như một tập quán văn hoá tốt đẹp trong nhân dân, không phô trương, lãng phí.

Năm nay, để kỷ niệm 65 năm ngày Truyền thống ngành thủy sản (01/4/1959 - 01/4/2024), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản số 515/BNN-TS ngày 16/01/2024, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiều hoạt động, phong trào hưởng ứng ngày lễ này. 

Trong đó có tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của ngày Truyền thống ngành thủy sản, nhằm khơi dậy truyền thống ngành, động viên tinh thần thi đua lao động sản xuất của bà con ngư dân và cán bộ trong ngành. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; tiếp tục bố trí kinh phí để duy trì hoạt động thả giống thủy sản tại các vùng nước ở địa phương nhằm khôi phục, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân tích cực tham gia các hoạt động về thả giống phục vụ tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và hướng tới việc xã hội hóa hoạt động này. 

Trong thời gian này đã có nhiều địa phương tiếp tục thực hiện và phát động phong trào thả con giống góp phần tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Vào ngày 16/3 vừa qua huyện Mèo Vạc (Hà Giang) phối hợp với công ty Thủy điện Nho Quế 1 tổ chức thả cá giống nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1. Thả với khoảng hơn 70.000 con giống bao gồm cá trắm đen, cá trôi, cá chép và cá trắm cỏ. 

Trong khi đó, ngày 26/3 sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa phối hợp với giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tổ chức thả 2 tấn cá giống nước ngọt xuống lưu vực sông Mã. 

Ở Nghệ An, Quảng Nam cũng phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và công ty cũng tổ chức thả cá giống, những hành động này cũng góp phần ổn định và nâng cao đời sống người dân địa phương cũng như có ý nghĩa chính trị xã hội và tính nhân văn, nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, làm sạch nguồn nước, làm sạch môi trường, cân bằng hệ sinh thái. 

UBND quận Bình Thủy (Thành phố Cần Thơ) nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản, ngày 27/3 vừa qua tổ chức thả cá giống trên lưu vực sống Hậu với gần 1 tấn cá bao gồm cá chạch, cá lóc, cá tra,… đồng thời trồng hơn 1.000 cây bần.

Ở Bạc Liêu, sở NN&PTNT Bạc Liêu cũng đã tiến hành tổ chức thả hơn 6 triệu con tôm giống về tự nhiên, đồng thời tại buổi lễ này tổ chức tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sản phẩm thủy sản, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững. 

Bạc Liêu cũng đã tiến hành tổ chức thả hơn 6 triệu con tôm giống về tự nhiên. Ảnh: Báo Thanh Niên

Đến nay sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với hơn 600 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ngành thủy sản tạo công ăn việc làm cho khoảng 5 triệu lao động đưa Việt Nam vào vị trí các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Hoạt động khai thác thủy sản giải quyết sinh kế cho người dân vùng ven biển, hải đảo, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các cơ chế, chính sách của ngành cơ bản được hoàn thiện. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; có 11 chương trình, đề án thực hiện Chiến lược cũng đã được ban hành.

Như vây, sau 65 năm hình thành và phát triển, đến nay, thủy sản đã luôn là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển khá toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu, dịch vụ, thương mại theo hướng công nghiệp, hiện đại; duy trì được sự tăng trưởng ổn định qua các năm; có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và khu vực nông, lâm, thủy sản, nhất là xuất khẩu thủy sản. 

Hồng Huyền