TIN THỦY SẢN

Các phương pháp gây bệnh trên cá

Trong thủy sản, để định danh tác nhân gây bệnh, người ta sử dụng Định đề Koch. Hà Tử

Có 5 phương pháp gây bệnh trên cá để định danh tác nhân gây bệnh.

Tại sao phải gây bệnh trên cá?

Để xác định cụ thể các mầm bệnh về liều lượng cảm nhiễm, cơ quan đích tấn công hay biểu hiện của bệnh… người ta thường gây bệnh thực nghiệm cho tôm, cá tại phòng thí nghiệm. Dễ hiểu hơn là làm mọi cách để tôm cá nhiễm bệnh mong muốn với liều lượng xác định rồi quan sát giai đoạn sau nhiễm bệnh của chúng. Trong thủy sản, để định danh tác nhân gây bệnh, người ta sử dụng Định đề Koch:

- Cá nhiễm bệnh tự nhiên → Tiến hành phân lập mầm bệnh → Gây bệnh thực nghiệm cho cá khỏe → Cá đã bị bệnh → Phân lập mầm bệnh

- Nếu biểu hiện bệnh và mầm bệnh giữa cá bệnh tự nhiên và cá bệnh thực nghiệm là giống nhau thì có thể xác định đó là mầm bệnh.


Như đã nói ở trên, trước khi gây bệnh phải tiến hành phân lập mầm bệnh từ cá nhiễm bệnh tự nhiên. Việc phân lập này là vô cùng quan trọng khi ảnh hưởng lớn đến độ chính xác của kết quả định danh mầm bệnh. Đầu tiên, người thực hiện phân lập phải xác khuẩn tay và các dụng cụ thật kỹ. Sau đó, tiến hành chọn cơ quan đích, nơi đó sẽ bị nhiễm nhiều vi khuẩn nhất, nên sẽ dễ dàng để phân lập hơn. Cấy vi khuẩn lên môi trường thạch agar tương ứng. Tiếp đó, chọn những khuẩn lạc rời, cấy qua môi trường mới. Những khuẩn lạc đồng nhất có sự hiện diện chiếm ưu thế sẽ được phân lập thuần.


Có bao nhiêu phương pháp gây bệnh trên cá?

Có 5 phương pháp gây bệnh trên cá bao gồm: Tiêm xoang bụng, ngâm, tắm, cho ăn, nuôi chung. Trước hết phải chuẩn bị cá khỏe, chưa mắc bệnh lần nào với kích cỡ vừa đủ thao tác. Cá được gây bệnh phải được làm quen với với trường bể thí nghiệm từ 10-14 ngày.

1. Gây bệnh trên cá bằng phương pháp tiêm xoang bụng

Tiêm xoang bụng là tiêm qua khỏi thành bụng nhưng không đâm sâu vào trong nội quan cá. Phương pháp này cần phải tiến hàng gây mê trước cho cá, để cá không giãy giụa, tránh gây thủng nội quan. Đầu tiên, đặt ngửa cá, để nội quan cá dồn xuống, vị trí thích hợp nhất để tiêm là giữa đường nối cung mang và hậu môn. Sau khi tiêm, tiến hành sục khí để cá dần tỉnh lại. Ưu điểm của phương pháp này là cá sẽ được tiêm với liều đồng đều (thường là 1% trọng lượng cơ thể cá), trực tiếp đưa vi khuẩn vào cơ thể cá để xác nhận được tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên đây là phương pháp tiêu tốn rất nhiều thời gian, tốn công, dễ làm cá stress, sợ sệt và đường xâm nhập này của vi khuẩn thì không giống với tự nhiên.


2. Gây bệnh trên cá bằng phương pháp ngâm

Giống như tên gọi của nó, ở phương pháp này cá được ngâm từ 30-60 phút trong bể đã chứa vi khuẩn, sau đó vớt cá trở lại bể nuôi. Đây là phương pháp gây bệnh gần giống với tự nhiên với thời gian nhanh, liều gây bệnh khá đồng đều trên mọi cá thể, vi khuẩn sẽ xâm nhập qua mang, da hay cơ quan đường bên của cá. Nhược điểm của phương pháp này là kết quả phân lập có thể không chính xác lắm, cá bị dồn ép trở nên hoảng sợ, phải sử dụng một lượng vi khuẩn lớn.

3. Gây bệnh trên cá bằng phương pháp tắm

Tắm là phương pháp cho vi khuẩn gây bệnh trực tiếp vào trong bể nuôi cá. Cách này thường không gây stress cho cá, có thể nhiễm bệnh ở mọi cá thể cùng một lúc. Nhưng lượng vi khuẩn sử dụng là rất lớn, gây tốn kém. Đây cũng là phương pháp cho kết quả khá chính xác do tương đương với khi cá nhiễm bệnh trong tự nhiên.

4. Gây bệnh trên cá bằng phương pháp cho ăn

Trước hết phải gây mê cá, sau đó nghiền mịn thức ăn công nghiệp pha với nước (sền sệt) và vi khuẩn, bơm một lượng cần thiết vào dạ dày cá (khoảng 1% trọng lượng cơ thể). Đối với cá nhạy cảm có thể nôn ra ngoài (ví dụ như cá tra). Ưu điểm là liều lượng sẽ phù hợp đến từng cá thể, ít tốn vi khuẩn nhưng tốn nhiều thời gian và khó áp dụng với cá nhỏ.


5. Gây bệnh trên cá bằng phương pháp nuôi chung

Cho cá bệnh (tự nhiên hay gây bệnh bằng phương pháp khác) vào nuôi chung với cá bệnh trong bể thí nghiệm và xác định con đường lây qua tiếp xúc gần hay qua nguồn nước. Phương pháp này giống với cá nhiễm bệnh tự nhiên nhất. Cá có thể cảm nhiễm nhiều loại mầm bệnh là nhược điểm của phương pháp này.

Sau khi gây bệnh, nên theo dõi cá ít nhất 14 ngày để quan sát và ghi nhận dấu hiệu bệnh tích. Gây bệnh kết thúc sau 2 ngày khi không còn có chết nửa. Cuối cùng là so sánh bệnh tích cá bệnh tự nhiên và cá được gây bệnh thực nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.

Hà Tử