TIN THỦY SẢN

Triển khai nuôi hải sâm thương phẩm tại làng chài Nhơn Hải

Mô hình nuôi hải sâm hiện đang được áp dụng phổ biến. Ảnh: nongnghiep.farmvina.com Ái Trinh

Nhằm đẩy mạnh phát triển nuôi biển, đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản ,nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân, mới đây, Sở KH&CN Bình Định đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát tại xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn do Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn chủ trì thực hiện và HTX Dịch vụ - Du lịch – Thủy sản Nhơn Hải là cơ quan phối hợp chính tổ chức thực hiện.

Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng mô hình nuôi thương phẩm hải sâm cát (quy mô 1.000 m2) mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân vùng biển xã Nhơn Hải. Thời gian thực hiện 10 tháng, trong năm 2024.

Hải sâm cát (tên khoa học: Holothuria scabra) là một trong những loài có giá trị kinh tế cao trong các loài hải sâm thương mại thường sống trong đáy cát bùn ở những nơi cửa sông hoặc các đầm phá, vũng vịnh. Từ năm 2008 - 2017, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III được Bộ NN&PTNT giao hoàn thiện quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát. Đến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã hoàn toàn làm chủ công nghệ này. 

Trước tình hình nguồn lợi thủy sản ngày cạn cạn kiệt,  ngư dân xã Nhơn Hải đa phần tàu nhỏ, không thể đi xa để đánh bắt hải sản. Diện tích đất nông nghiệp tại xã nhỏ, khó khăn trong chuyển đổi đa dạng các ngành nghề tạo sinh kế cho người dân. Với tổng chiều dài bờ biển khoảng 15 km, có nhiều đảo nhỏ, các bãi đá, bãi rạn san hô và thảm thực vật ngầm, có các bãi đẻ của rùa biển,...là môi trường rất thuận lợi cho các loài sinh vật biển phát triển phong phú và đa dạng tạo điều kiện để người dân phát triển các nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, mô hình nuôi thương thẩm hải sâm cát (Holothuria scabra) tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn là cơ hội để cộng đồng, người dân xã Nhơn Hải phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. 

HTX Dịch Vụ Du Lịch Thủy Sản Nhơn Hải thăm quan và học tập mô hình nuôi hải sâm cát  tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền trung. Ảnh: HTX 

Ông Lê Minh Tuấn, thành viên HTX Dịch vụ - Du lịch – Thủy sản Nhơn Hải, chủ nhiệm đề tài cho biết hải sâm là loài động vật không xương sống ở vùng biển, được ví như “nhân sâm” của biển bởi có nhiều công năng quý như bổ thận, tráng dương, ích tinh, giảm ho, tiêu độc, dưỡng huyết…Với nhiều ưu điểm như thân thiện với môi trường, ít dịch bệnh, giá trị cao, hải sâm là đối tượng nuôi trồng có nhiều tiềm năng phát triển tại vùng biển Nam Trung bộ. Thức ăn nuôi hải sâm không tốn kém bởi chúng ăn thức ăn dư thừa hoặc các chất thải của các đối tượng nuôi khác. Việc nuôi hải sâm góp phần làm sạch môi trường biển tạo môi trường tốt để hệ sinh thái san hô phát triển. 

Hiện HTX đã lấy 70 con giống hải sâm cát (Holothuria scabra)  ở Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền trung ( Khánh Hòa) về thả nuôi lồng đợt đầu để đánh giá thích nghi tại xã Nhơn Hải. Song song với việc đó UBND xã Nhơn Hải đã có tờ trình gửi UBND TP Quy Nhơn và Ban Quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội về việc xin tạm giao mặt nước để thực hiện nhiệm vụ ứng dụng Khoa học kỹ thuật tại địa phương. 

Ái Trinh