Các yếu tố ảnh hưởng đến tác động của thuốc và hóa chất
Khi cần sử dụng các loại hóa chất hoặc thuốc thủy sản, chúng ta cần tìm rõ nguyên nhân gây bệnh để có thể xử lý đúng cách. Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến các yếu tố ảnh hưởng đến tác động của thuốc và hóa chất khi sử dụng. Dưới đây là một số yếu tố ảnh hưởng mà người nuôi cần biết.
Đối tượng nuôi
Cùng một loại thuốc nhưng loài này có thể nhạy cảm hơn loài khác. Giai đoạn tôm/cá con và tôm/cá bố mẹ, khi sử dụng thuốc cần liều thấp hơn đối với giai đoạn trưởng thành. Bởi lúc còn bé, thủy sản có khối lượng nhỏ hơn khi trưởng thành, khi đó các cơ quan chưa phát triển hoàn chỉnh nên quá trình trao đổi chất và sự cuyển hóa cũng khác hơn, khả năng miễn dịch khác nhau.
Tình trạng cơ thể
Khi cơ thể khỏe mạnh hiệu quả sử dụng thuốc sẽ cao hơn khi cơ thể tôm yếu do đó tôm/cá bệnh càng nặng thì sẽ khó điều trị hơn tôm mới chớm bệnh.
Tính chất của thuốc
Thuốc hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản thường có 3 dạng chính: dạng viên,dạng bột và dạng nước. Hàm lượng và khả năng hòa tan của mỗi dạng này cũng khác nhau. Do đó để sử dụng hiệu quả và tính toán chính xác liều lượng cần hiểu rõ về tính tan của thuốc và hàm lượng hoạt chất chứa trong thuốc. Ví dụ yucca bột thường có hàm lượng thấp hơn yucca nước.
Phương pháp dùng thuốc
Mỗi bệnh có một phương pháp và cách thức để điều trị riêng. Những phương pháp này nếu lựa chọn không đúng sẽ dẫn đến lãng phí thuốc và không trị được bệnh.
Liều lượng dùng thuốc
Liều lượng thuốc nhiều hay ít đều có ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Dùng liều quá ít không phát sinh tác dụng; dùng liều lượng thuốc nhỏ nhất phát sinh được tác dụng thì gọi là liều lượng thuốc thấp nhất có hiệu nghiệm.
Liều lượng thuốc lớn nhất mà cơ thể sinh vật chịu đựng được không có biểu hiện ngộ độc là liều lượng thuốc chịu đựng cao nhất, là liều lượng cực đại. Nếu vượt quá ngưỡng này tôm sẽ bị ngộ độc. Liều lượng dẫn đến tôm ngộ độc gọi là lượng ngộ độc, vượt hơn tôm sẽ chết gọi là liều lượng tử vong.
Thuốc dùng để trị các bệnh bên ngoài của tôm thường dựa vào thể tích nước để tính liều lượng thuốc. Đối với các bệnh bên trong cơ thể thì căn cứ vào trọng lượng cơ thể để tính lượng thuốc. Thường người ta chọn ở giữa hai mức: Liều thuốc nhỏ nhất có hiệu nghiệm và liều cao nhất có thể chịu đựng được, trong phạm vi này sẽ an toàn với tôm. Thuốc tốt thường có phạm vi an toàn lớn.
Muốn chọn liều lượng nào để chữa bệnh cho tôm có hiệu quả cao và an toàn cần phải nắm vững tình trạng cơ thể, giai đoạn phát triển và đặc điểm sinh vật học của tôm cần trị bệnh cũng như điều kiện môi trường tôm sống mới có quyết định chính xác. Có lúc trong phạm vi an toàn thuốc vẫn có thể gây ngộ độc đối với tôm vì điều kiện môi trường không phù với tôm hoặc sức khỏe tôm yếu.
Thời gian và nhiệt độ
Có ảnh hưởng và tác động nhiều đến phương pháp tắm hoặc ngâm. Thời gian và nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thuốc. Ví dụ: BCK sử dụng hiệu quả hơn khi trời nắng và nhiệt độ cao.
Môi trường nước nuôi
Cá và tôm bị bệnh sống trong điều kiện thích hợp cũng góp phần giảm stress qua đó phát huy tốt tác động của thuốc. Mặt khác nhiều loại thuốc hóa chất cũng có hiệu quả kém trong môi trường có nhiều chất hữu cơ như: TCCA, formal, iodine.... . Để sử dụng hiệu quả những loại diệt khuẩn này cần sử dụng thuốc trợ lắng trước hoặc xi phong đáy ao hạn chế chất hữu cơ trong ao. Nhiệt độ, pH, độ kiềm, độ cứng, ôxy hòa tan cũng ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Bảo quản thuốc
Thuốc và hóa chất có những đặc tính hóa lý riêng, để tránh làm giảm tác dụng thuốc/hóa chất cần bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, không được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và đậy nắp sau khi sử dụng.
Qua đó, khi cần thiết sử dụng các loại hóa chất và thuốc thủy sản. Đầu tiên cần nên tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra phương án xử lý tối ưu. Đồng thời kết hợp qua các yếu tố gây ảnh hưởng đến quá trình sử dụng hóa chất, thuốc đó. Điều này giúp người nuôi có thể tiết kiệm chi phí, tránh gây thiệt hại nặng nề cho ao tôm.