TIN THỦY SẢN

Cải thiện tốt môi trường nuôi tôm thẻ chân trắng

Nuôi tôm thẻ siêu thâm canh một tấn cần sử dụng 9.533 m3 nước. Ảnh: Tép Bạc Sáu Nghệ

Sự phát triển vượt bậc nuôi tôm nước lợ tại ĐBSCL thời gian qua đã bộc lộ nhiều vấn đề như gây ô nhiễm môi trường, làm suy giảm hệ sinh thái rừng ngập mặn, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị và sản xuất bền vững ngành tôm.

Do đó, quản trị tốt môi trường, đặc biệt về sử dụng đất, nước, thức ăn và công nghệ áp dụng là những yếu tố hết sức quan trọng để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của tôm Việt Nam. Xin giới thiệu bài phân tích của ông Ngô Tiến Chương, Chuyên gia kỹ thuật cao cấp, GIZ.

Nước và bùn thải trong nuôi tôm

Sử dụng nước trong nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng. Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ năm 2022, để sản xuất 1 tấn tôm (80-130 con/m2) cần có 6.644 - 8.289 m3 nước thải, 27,9-29,9 m3 nước xi phông; và 145-179 kg COD, 12,5-16,3 kg P, 57,6-77,5 kg TKN thải vào môi trường qua quá trình thay nước và xi phông. Tính ra, mô hình nuôi thâm canh: Tổng lượng nước sử dụng là 9.533 m3/tấn tôm nguyên liệu.

Ở tỉnh Cà Mau, Sở TN&MT cho biết, năm 2018 tại tỉnh có 2.019 ha nuôi tôm  thẻ siêu thâm canh, chủ yếu nuôi theo quy trình thay nước hàng ngày. Nếu cơ sở nuôi thay 20% thể tích nước thì hàng ngày sẽ thải ra 4.000.000 m3 nước thải.

STTHạng mụcSố lượng
1Diện tích nuôi tôm thẻ (m2)
1000
2Lượng nước cấp lần đầu (1000m2 x 1.1m)
1100
3Tỷ lệ thay nước trung bình 25%/ngày
275
4Tổng lượng nước thay (m3)
27500
5Tổng thể tích nước dùng trong 1 vụ (m3)
28600
6Thể tích nước dùng /1 tấn tôm (m3)
9533
Dự tính chi tiết lượng nước 9.533 m3 sử dụng để nuôi một tấn tôm thẻ siêu thâm canh

Lượng nước thải ra trong 1 vụ nuôi dao động theo mật độ nuôi, quy cách nuôi và công nghệ áp dụng. Tuy nhiên, có thể thấy lượng nước thải hàng năm trong nuôi tôm ở ĐBSCL là rất lớn.

Về bùn thải trong nuôi tôm, chiếm khoảng 35% tổng hệ số tiêu thụ thức ăn (FCR). Lượng bùn thải phụ có thuộc nhiều vào hình thức nuôi, công nghệ nuôi. Thực tế hiện nay, việc thu gom và xử lý bùn thải còn nhiều vấn đề như thiết kế hạ tầng vùng nuôi và công nghệ xử lý…vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhìn chung là chưa có giải pháp tối ưu hóa, tái chế bùn thải hiệu quả.

Môi trường và nuôi tôm tác động xấu lẫn nhau

Thiên nhiên ở ĐBSCL đang bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa, nắng, sinh ra thời tiết cực đoan. Tình hình suy giảm nguồn nước, chất lượng môi trường trầm trọng thêm vì ô nhiễm môi trường từ sản xuất công nghiệp. Thực trạng đó sinh ra nhiều dịch bệnh trên tôm, gây nhiều khó khăn, bất trắc cho ngành nuôi tôm.

Ở chiều ngược lại, môi trường cũng bị tác động xấu do việc nuôi tôm. Như phân tích ở trên, lượng nước thải và bùn thải rất lớn cùng nhiều hóa chất kèm theo đã gây ô nhiễm nguồn nước, làm suy giảm chất lượng đất. Lượng lớn chất thải nhiều độc hại còn gây đảo lộn hệ sinh thái ven sông vùng hạ lưu, làm tăng nguy cơ dịch bệnh và giảm năng suất tôm. 

Bùn thải chiếm khoảng 35% tổng hệ số tiêu thụ thức ăn (FCR)

NTTS (2022
Tổng (SL)
Tôm thẻ thâm canh(T)
Thức ăn (FCR (tôm 1.3), cá tra 1.5)Bùn thải (T) (35%)
Lượng bùn thải/tấn tôm
Tôm1.080.600
743.500
966.550
338.293
0.455 tấn bùn/1 tấn tôm nguyên liệu
Cá tra1.600.000
2.400.000840.0000.525 tấn bùn/ 1 tấn cá tra nguyên liệu

Nuôi thâm canh một tấn tôm thẻ thải ra 0,455 tấn bùn 

Tất cả những tác động lớn ấy diễn ra thường xuyên, liên tục ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu, sức cạnh tranh của tôm Việt.

Quản trị môi trường trong nuôi tôm

Người nuôi tôm có câu “nuôi tôm là nuôi nước”. Nuôi tôm là một hình thức nông nghiệp có tính chất quyền sở hữu tư nhân và với động cơ lợi nhuận cao nên có tính thị trường cao. Vì vậy, năng suất và tăng trưởng phụ thuộc vào quản trị. Khi quản trị tốt sẽ giúp điều tiết các khía cạnh của quản lý nuôi tôm, trong đó hàng đầu và bao trùm là quản trị môi trường.

Quản trị tốt môi trường sẽ đưa đến năng suất mong muốn, giảm chi phí,... Ảnh: Tép Bạc

Công tác quản trị môi trường để bảo vệ môi trường trong nuôi tôm với định hướng kinh tế xanh hiện nay bao gồm nhiều khâu. Đó là, kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động nuôi tôm; phòng ngừa và kịp thời giải quyết các sự cố môi trường khi xuất hiện. Chú trọng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học.

Đồng thời, nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động nuôi tôm để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành tôm.

Quản trị tốt môi trường sẽ đưa đến năng suất mong muốn, giảm chi phí, tăng hiệu quả, hoạt động nuôi tôm kinh doanh có lợi nhuận. Nếu quản trị môi trường không hiệu quả sẽ phân bổ sai các nguồn lực, xảy ra sự cố môi trường phải xứ lý tốn kém, rủi ro cao, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường.

Có 4 nguyên tắc cơ bản trong quản trị môi trường

Chuyên gia Ngô Tiến Chương nêu 4 nguyên tắc cơ bản trong quản trị môi trường nuôi tôm:

Nguyên tắc 1: Hiệu quả và hiệu suất

Các hoạt động phải định hướng vào kết quả, nhằm đạt được hiệu quả về chi phí.

Nguyên tắc 2: Công bằng

Mọi hoạt động cần cân nhắc về lợi ích chung của các bên.

Nguyên tắc 3: Trách nhiệm

Các bên chia sẻ trách nhiệm cụ thể, đầy đủ, rõ ràng trong sự hợp tác chặt chẽ.

Nguyên tắc 4: Pháp lý

Hoạt động minh bạch, thông thoáng, nhất quán.

Để thực hiện các nguyên tắc đạt được kết quả cao, theo Chuyên gia Ngô Tiến Chương, cần Hợp tác Công – Tư (PPP) thúc đẩy các hình thức phát triển tốt hơn và hiệu quả hơn. Trong hợp tác PPP cần có sự đồng thuận về quan điểm; thường xuyên trao đổi thông tin để hợp tác có trách nhiệm; xem đối tác tư nhân là đối trọng quan trọng, có tính quyết định, đảm bảo hợp tác bền vững.

Hợp tác PPP để bền vững thì phải không ngừng mở rộng hợp tác. Các ý tưởng hợp tác khả thi là để xây dựng các dự án PPP. Đó là các dự án tiên tiến như Ứng dụng kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị trong sản xuất tôm nươc lợ; Mô hình RAS, Công nghệ ít thay nước, Công nghệ thân thiện môi trường; Mô hình nuôi phát thải thấp.

Hợp tác PPP cần chú trọng phối hợp đào tạo và nâng cao năng lực cho công nhân, cho người nuôi về kỹ thuật mới, cách thức quản lý, triển khai các liên kết. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo chuyên đề để trao đổi và chia sẻ các ý tưởng, ý kiến chuyên gia về các lĩnh vực mới.

Có thể nói, hợp tác PPP nhóm ngành hàng tôm đã hình thành sớm trong ngành nông nghiệp, đang cần củng cố và phát triển để thúc đẩy các hình thức hiệu quả hơn. Ngành tôm đã tạo được ví trị quan trọng trong chiến lược phát triển thủy sản, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, yêu cầu đang đặt ra xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Sáu Nghệ