TIN THỦY SẢN

Cải tiến máy sục khí trong nuôi tôm

Máy sục khí đóng vai trò quan trọng trong ao nuôi. Ảnh: Tepbac Nhất Linh

Mới đây, một nhóm nhà khoa học đã thiết kế một máy sục khí cho ao nuôi tôm tự động hóa bằng cách lắp đặt các tấm quang điện – hỗ trợ người nuôi tôm ở các vùng sâu vùng xa trong việc tiếp cận với nguồn năng lượng tự nhiên và bền vững.

Tại sao khi nuôi cần sử dụng thiết bị sục khí trong nuôi tôm?

Trong các hoạt động canh tác các loại tôm như tôm sú và tôm thẻ chân trắng, để đạt được kết quả tốt, điều quan trọng không chỉ ở chất lượng tôm giống, thức ăn mà còn là tất cả các bước trong khâu quản lí ao, đặc biệt là quản lí đáy ao. Trong đó, hoạt động sục khí là việc làm cần thiết, phải được thực hiện tại các ao nuôi tôm (nhất là trong các mô hình nuôi tôm thâm canh).

Thông thường tôm nuôi thương phẩm phải mất ít nhất 120 ngày mới đạt được kích cỡ phù hợp với yêu cầu thị trường. Trong giai đoạn này nếu ao nuôi không được quản lí tốt, một lượng lớn chất thải có thể tích tụ, bao phủ toàn bộ đáy ao, diện tích đáy ao sạch sẽ bị thu hẹp, tôm không có đủ không gian để hoạt động và sinh sống, tôm tăng trưởng kém và dễ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, phần oxy gần đáy áo nhanh chóng bị cạn kiệt (nơi các vi khuẩn có lợi sử dụng oxy để tiêu thụ các chất hữu cơ dư thừa tồn đọng trong ao). Do đó, việc sử dụng thiết bị sục khí trong nuôi tôm không chỉ đơn giản làm tăng lượng oxy hòa tan trong nước mà còn giữ cho hầu hết các khu vực của đáy ao sạch, cải thiện lưu thông tạo không gian sống cho tôm.

Sử dụng thiết bị sục khí trong nuôi tôm đóng góp vai trò cần thiết giúp tăng lượng oxy hòa tan trong nước. Ảnh: tomvang.com

Cải tiến và vận hành

Các thiết bị sục khí truyền thống được sử dụng trong nuôi tôm yêu cầu một nguồn điện đáng kể khi sử dụng, nếu không có nó sản xuất tôm sẽ không đạt được hiệu quả. Để giúp giải quyết vấn đề này, một nhóm nhà khoa học từ trường Đại Học Indonesia đã tạo ra một máy sục khí thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để tăng cường hiệu suất tôm nuôi cho nông dân.

Máy sục khí dựa trên hệ thống điện quang là một công cụ sử dụng ánh sáng mặt trời tạo ra bọt khí cung cấp oxy cho ao nuôi tôm. Công cụ này có thể làm tăng số lượng và chất lượng oxy mà tôm cần trong ao nuôi, tôm sẽ phát triển khỏe mạnh và nhanh hơn.

Ngoài việc sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, công cụ này sẽ sử dụng một hệ thống hoạt động tự động. Nghĩa là, khi tấm pin tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nó sẽ giải phóng điện cung cấp cho bộ điều khiển để ổn định điện áp đầu ra từ tấm pin mặt trời. Khi máy ở trạng thái nghỉ, bộ điều khiển sẽ chuyển năng lượng vào ắc quy để sạc. Khi điện áp sạc trong ắc quy đã đạt đến trạng thái toàn phần, bộ điều khiển sẽ dừng dòng điện đi vào ắc quy để tránh sạc quá mức, nâng cao tuổi thọ của ắc quy (khoảng 10-15 năm), đồng thời tiết kiệm chi phí cho nông dân.

Máy sục khí sử dụng ánh sáng mặt trời tạo ra bọt khí cung cấp oxy cho ao nuôi tôm. Ảnh: Tepbac

Vật liệu được dùng để chế tạo thiết bị này bao gồm một bảng điều khiển năng lượng mặt trời, một khung máy làm nơi lắp đặt các tấm pin mặt trời, hai guồng quay 8 cánh để quạt nước và khôi phục mức oxy, động cơ PG45 RPM 500, bánh lái, một chiếc phao như một bộ phận nâng, hộp bảo vệ mạng điện. Để kích hoạt máy sục khí, người nuôi chỉ cần sử dụng nút nguồn trên bảng điều khiển, nút này có chức năng kích hoạt và tắt hệ thống. Mô tơ sẽ tự động quay guồng để tạo ra bọt khí khi được kích hoạt. Thiết bị hoạt động theo giờ và phút cố định và sẽ tạm ngưng trong bốn giờ đồng hồ từ 11 giờ đến 14 giờ. 

Tin rằng thiết bị này có thể hỗ trợ việc cải thiện chất lượng và gia tăng hiệu quả sản xuất cho người nông dân. Hy vọng trong tương lai sẽ có thể áp dụng công nghệ Internet of Things cho máy sục khí (IoT - mạng lưới vạn vật kết nối Internet, công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và Internet. Là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với Internet để thực hiện một công việc nào đó). Các ứng dụng IoT sẽ cho phép nông dân điều khiển và giám sát máy sục khí từ xa bằng điện thoại thông minh tích hợp, tiết kiệm công sức cho người nuôi tôm.

Nhất Linh