Cần chú trọng độ đồng đều khi lựa chọn thức ăn tôm thẻ
Ngoài độ đạm thì độ đồng đều cũng là yếu tố quan trọng khi lựa chọn thức ăn tôm thẻ. Sự chênh lệch kích thước và trọng lượng giữa các viên thức ăn ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn của tôm.
Độ đồng đều của thức ăn tôm thẻ là yếu tố quan trọng
Theo TCVN 10325:2014 về Thức ăn hỗn hợp cho tôm thẻ chân trắng đã quy định kích thước, hàm lượng đạm thức ăn công nghiệp sử dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng tương ứng giai đoạn sử dụng theo trọng lượng tôm. Theo tiêu chuẩn này, có 6 số thức ăn từ 1 đến 6, tương ứng 2 dạng thức ăn chính là mảnh và viên.
Ở dạng thức ăn mảnh, chênh lệch kích thước và trọng lượng giữa các mảnh thức ăn, không ảnh hưởng việc sử dụng thức ăn của tôm, do kích thước tôm còn nhỏ.
Khi nuôi tôm thẻ được 20 ngày tuổi, trọng lượng cơ thể 0,2 gr/con, tương đương khoảng 5.000 con/kg, bắt đầu cho tôm ăn thức ăn viên cỡ 1,0 mm. Ở kích cỡ viên trên, sự chệnh lệch kích thước và trọng lượng giữa các viên thức ăn không ảnh hưởng nhiều đến kết quả sử dụng thức ăn của tôm.
Tuy nhiên, khi nuôi tôm thẻ được 30 - 35 ngày tuổi, trọng lượng cơ thể 1,3 – 1,5 gr/con, tương đương khoảng 800 con/kg, bắt đầu cho tôm ăn thức ăn viên cỡ 1,2 mm. Ở kích cỡ viên trên, nếu có sự chênh lệch kích thước và trọng lượng giữa các viên thức ăn, sẽ ảnh hưởng nhiều đến kết quả sử dụng thức ăn của tôm.
Sự chênh lệch kích cỡ thức ăn gây hao mồi, FCR cao. Ảnh: Tepbac.
Khi kích thước viên thức ăn tôm thẻ không đều nhau, kéo theo trọng lượng giữa các viên chênh lệch, tôm sẽ sử dụng viên thức ăn lớn, do dễ gắp, gắp nhiều viên, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cữ ăn. Viên nhỏ tôm không ăn, do khó gắp, tốn nhiều thời gian để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cữ ăn, tiêu hao nhiều năng lượng trong hoạt động bắt mồi. Nếu có sự chênh lệch kích thước, trọng lượng viên thức ăn, ảnh hưởng đến hoạt động bắt mồi, kết quả sử dụng thức ăn kém, sẽ gây hao mồi làm FCR cao, tôm đói cục bộ do ăn không đủ nhu cầu, dù cho ăn đủ lượng.
Trong trường hợp cho ăn bằng tay, sự chênh lệch kích thước, trọng lượng viên thức ăn thấy rõ ràng những ảnh hưởng xấu. Tôm trong ao phân đàn, xuất hiện nhiều tôm ruột nhỏ, ruột ít thức ăn, đường ruột mờ, gan mờ. Tôm kéo đàn tìm kiếm thức ăn do đói. Tôm tăng trưởng chậm, ốp vỏ, phát triển cơ thể không cân đối. Nước ao nuôi trở màu xanh rau má hoặc nâu đen, ô nhiễm hữu cơ diễn ra nhanh trong thời gian ngắn. Nước hôi, keo đặc, nhiều bột khí nổi trên mặt nước, khó tan. Khí độc trong ao nuôi như NH3, NO2 tăng cao, oxy trong ao giảm nhanh. Tôm nổi đầu sáng sớm, chiều mát, do thiếu oxy.
Trong trường hợp cho ăn bằng máy, do sự chênh lệch kích thước, trọng lượng viên thức ăn thì máy sẽ phun không đều. Do trọng lượng và kích thước chênh lệch, viên thức ăn lớn, nặng, máy sẽ phun xa. Viên thức ăn nhỏ và nhẹ hơn, sẽ rơi gần bờ. Nếu tôm nhỏ cách xa bờ hoặc tôm lớn tập trung gần bờ, đều không sử dụng được thức ăn do kích thước viên thức ăn không phù hợp. Tiếp sau đó, chắc chắn quá trình ô nhiễm môi trường sẽ diễn ra.
Cách lựa chọn thức ăn tôm thẻ
Từ những diễn giải trên, qua thực tế sản xuất. Bà con chủ động cho tôm ăn thức ăn có kích cỡ phù hợp, đảm bảo hoạt động bắt mồi tốt nhất. Không ngoại trừ trường hợp dùng thức ăn tôm thẻ có kích thước lớn hơn, so trọng lượng tôm, so thời gian nuôi, nhiều công ty hướng dẫn sử dụng trên bao bì thức ăn. Chọn lựa thức ăn đều cỡ, kích thước viên thức ăn đồng nhất, màu nâu sẫm. Viên thức ăn bóng, mịn, ít bụi, đường kính viên thức ăn phẳng, vết cắt gọn, không mẻ. Mùi thơm hấp dẫn, ngậm nước chậm, lâu tan trong nước, giữ hình dạng ban đầu khi ngâm lâu trong nước, giữ mùi thơm khi ngâm trong nước.
Tất cả những đề cập trên góp phần tối ưu hoá sử dụng thức ăn, tiêu thụ thức ăn, chuyển hoá thức ăn, của tôm thẻ chân trắng, trong quá trình nuôi. Hạn chế những ảnh hưởng xấu đã đề cập trên, tăng hiệu quả hoạt động ăn mồi, sử dụng thức ăn, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để tăng trưởng. Môi trường ổn định, hạn chế tối đa ô nhiễm hữu cơ, hạn chế khí độc trong ao nuôi, duy trì đủ dưỡng khí cho tôm trong ao hoạt động, phát triển. Tôm phát triển đều cỡ, tỷ lệ sống cao, mau rút về size lớn, FCR thấp.
Thức ăn tôm thẻ cần đáp ứng các yêu cầu về độ đạm, kích cỡ, độ đồng đều. Ảnh: Tepbac.
Nhu cầu dinh dưỡng của tôm thẻ chân trắng, theo TCVN 10325:2014 về Thức ăn hỗn hợp cho tôm thẻ chân trắng, công bố hàm lượng đạm từ 34 – 38%. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi viết bài, năm 2022, kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng đã có nhiều thay đổi vượt bậc về công nghệ. Nếu sử dụng hàm lượng đạm theo tiêu chuẩn trên, không thể nuôi mật độ cao, chắc chắn nuôi thời gian dài để đạt kích thước hàng hoá, FCR cao do nuôi thời gian dài. Với hàm lượng đạm trên, việc rút size tôm khó thực hiện cho kết quả tốt.
Hiện nay, bà con nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao, siêu thâm canh. Mật độ thả nuôi dày ≥ 200 con/m2, thời gian nuôi rút ngắn ≤ 120 ngày, yêu cầu tôm đạt size lớn ≤ 20 - 25 con/kg, hệ số thức ăn FCR khống chế ở mức ≤ 1.2…Việc chủ động điều chỉnh hàm lượng đạm sử dụng phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của tôm trong ao là yếu tố quyết định. Để tối ưu hoá nhu cầu sử dụng thức ăn, đảm bảo tôm phát triển tốt, đạt các thông số trên thì thông thường, tháng nuôi đầu, bà con sử dụng hàm lượng đạm 38 – 40%, sau đó tăng dần hàm lượng đạm 42% trở lên, từ tháng nuôi thứ 2 đến khi thu hoạch sau cùng. Với phương pháp nâng đạm tăng dần qua các tháng nuôi, san thưa, thu tỉa, nếu mật độ quá dày, tôm thẻ chân trắng vẫn phát triển, tăng trưởng tốt, rút size nhanh, đều cỡ, vỏ bóng đẹp, thịt săn chắc, nặng ký. FCR thấp như kỳ vọng, tôm về size lớn.