TIN THỦY SẢN

Cần lắm hậu cần nghề biển!

Vận chuyển đá lạnh xuống thuyền Xuân Hưng

Nhờ hình thành các cơ sở chuyên thu mua hải sản, cung cấp đá lạnh, xăng dầu, thực phẩm… cho tàu thuyền cập cảng Cửa Việt  (Gio Linh, Quảng Trị) mà ngư tàu như được “tiếp thêm lửa” để vươn khơi.

Nhộn nhịp nơi bến cảng

Ông Võ Ngọc Ninh, 55 tuổi (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt), một ngư dân có thâm niên hàng chục năm làm nghề biển, nay đã giải nghệ chuyển sang làm dịch vụ “hậu cần” cho tàu thuyền ở ngay dưới chân cầu Cửa Việt vui mừng cho biết: Liên tiếp mấy tháng nay ngư dân địa phương cũng như tàu thuyền các tỉnh bạn đều đánh bắt thắng lợi, cập cảng với đầy ắp hải sản.

“15 năm trước, tôi cũng theo nghề biển đánh bắt xa bờ nhưng sau này, khi 6 đứa con lần lượt trưởng thành, đứa đi học, đứa ra làm việc và không ai nối nghiệp biển nữa nên tôi đành bỏ nghề, lui về buôn bán tạp hóa dưới chân cầu Cửa Việt với vợ và đứa con gái út”. Ông tâm sự.

Cách đây vài năm, khi luồng lạch cảng Cửa Việt được nạo vét sâu, khơi thông, đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ của địa phương đã phát triển mạnh và các tàu khai thác thủy sản các tỉnh bạn ghé đến cảng ngày càng đông thì ông bắt đầu mở mang kinh doanh thêm các lĩnh vực khác như cung cấp xăng dầu, đá lạnh cho tàu thuyền.

Những tháng giáp Tết là tháng có lượng tàu vào đông nhất, bởi những ngư thuyền chuẩn bị cho chuyến tàu cuối trước dịp nghỉ ra khơi. “Như xưởng tui đây, đá làm liên tục với hai dàn máy có công suất trên 15 tấn đá/mẻ (20 giờ ra một mẻ đá), tương đương 300 cây đá (50kg/cây đá), dù giá bán 18.000 đồng/cây đá nhưng vẫn không đủ cung cấp cho tàu thuyền.

Ngoài đá, bình quân mỗi tháng gia đình tôi cũng bán được khoảng gần 200 triệu tiền xăng và thực phẩm các loại. Tuy nhiên, nghề này cũng chỉ làm được 6 tháng mùa nắng thôi, mùa mưa là nghỉ”. Ông Ninh cho biết.

Không riêng gì gia đình ông Ninh, nhiều hộ gia đình sinh sống ở thị trấn Cửa Việt đều khấm khá với mô hình sản xuất đá lạnh. Anh Nguyễn Văn Nam (khu phố 2, thị trấn Cửa Việt) phấn khởi nói: Bình quân hàng tháng mỗi xưởng cung cấp khoảng 500 tấn đá lạnh cho các tàu thuyền, tàu cá ít nhất lấy 50 cây/chuyến, nhiều nhất lấy đến trên 300 cây. “Nói chung thu nhập từ làm nghề hậu cần cho tàu thuyền cũng khá, nhưng mà phải có sức khỏe và uy tín”. Anh Nam bộc bạch.

Ngoài sản xuất đá lạnh, dầu cũng là mặt hàng được cung ứng nhiều nhất cho tàu thuyền. “Với mỗi chuyến đánh cá kéo dài chừng 7 - 10 ngày cần khoảng 600  - 1.000 lít dầu. Vào thời cao điểm thì nguồn dầu ở thị trấn Cửa Việt cung cấp cho tàu thuyền không đủ, phải nhờ “tiếp sức” nơi khác. Anh Nguyễn Văn Chánh một trong những hộ chuyên cung cấp, chở dầu ra bơm trực tiếp cho tàu cá đậu giữa cảng nói.


Thuỷ sản đánh bắt được sau chuyến ra khơi

“Hàng ra, cá vào”

Dịch vụ hậu cần nghề cá ở Cửa Việt phát triển đã mang lại thu nhập cao cho nhiều gia đình, tạo đa dạng ngành nghề cho địa phương. Ngoài dịch vụ hậu cần nghề cá ở khu vực cảng thì nhiều năm qua, ở thị trấn Cửa Việt cũng đã xuất hiện nhiều chủ tàu chuyên đưa tàu thuyền ra biển để giao dịch thu mua hải sản cũng như cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu thuyền đánh cá ngoài khơi. Phần lớn những gia đình này chủ yếu thu mua hải sản để cung cấp cho các lò sơ chế cá tại địa phương vốn thường xuyên thiếu nguồn nguyên liệu.

Anh Hồ Văn Hà, một chủ tàu chuyên thu mua hải sản cho biết: “Chúng tôi chủ yếu thu mua hải sản của các tàu thuyền ngoại tỉnh. Các tàu thuyền này vì muốn tiếp tục bám biển, không bỏ lỡ luồng hải sản nên thường bán “tươi” hải sản ngay giữa biển luôn cho thuận tiện. “Dù ra tận biển đến vài chục hải lý để thu mua nhưng nhiều khi cũng không đủ lượng hải sản để vào, vì hiện nay nhiều tàu thuyền thu mua quá, không chỉ của Cửa Việt mà còn có tàu thuyền Cửa Tùng và một số tỉnh lân cận”. Anh Hà tỏ ra lo ngại.

Việc hình thành đội tàu thuyền chuyên thu mua hải sản trên biển cũng đã tạo thuận lợi cho cả người bán lẫn người mua. Bởi người bán sẽ tiết kiệm được thời gian để tiếp tục đánh bắt thay vì phải vào cảng, các tàu thu mua cũng sẽ có được nguồn hải sản tươi để chế biến kịp thời.

“Chúng tôi thu mua chủ yếu cá duội, cá nục, cá cơm, cá thu, ngừ... Mua tận gốc, bán tận ngọn nên cũng có lãi khá. Thường mỗi chuyến đi của chúng tôi là “hàng ra, cá vào” nên mang lại “lãi kép”. Chủ tàu chuyên thu mua hải sản trên biển Lê Viết Trị hồ hởi nói.

Anh Nguyễn Hoài Diệp, cán bộ khuyến nông –  khuyến ngư thị trấn Cửa Việt cho biết: Những năm qua dịch vụ nghề cá ở Cửa Việt khá phát triển, tạo thu nhập cho các cơ sở kinh doanh ở địa phương cũng như tạo thuận lợi, hài lòng cho ngư dân hành nghề đánh bắt trên biển.

Tuy nhiên, nhiều ngư dân cũng bày tỏ mong muốn được các cấp, ngành sớm quan tâm nghiên cứu xây dựng thêm một cảng cá nữa ở khu vực phía bắc cảng Cửa Việt để tạo thuận lợi cho tàu thuyền cập bến, giải phóng nhanh chóng hải sản, vì cảng cá ở phía nam vẫn chưa đáp ứng tốt việc bốc dỡ hải sản, nhất là vào chính vụ đánh bắt.

“Tính đến hết tháng 9/2013, sản lượng hải sản đánh bắt của ngư dân thị trấn Cửa Việt đã đạt trên 4.500 tấn (kế hoạch năm 2013 là 5.000 tấn). Bình quân mỗi chuyến tàu thuyền ngư dân cập bến thuận lợi cũng cho lãi hàng trăm triệu đồng/chuyến. Cũng trong năm 2013, ngư dân thị trấn Cửa Việt tiếp tục đóng mới 3 tàu thuyền có công suất từ 200CV - 500CV, nâng tổng số tàu thuyền của địa phương lên trên 170 chiếc”.  

Xuân Hưng Báo Giáo dục & Thời đại