TIN THỦY SẢN

Cần lắm kinh nghiệm gieo cấy lúa - tôm

Huỳnh Việt

Gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm hoàn toàn phụ thuộc vào lượng nước trời, muốn gieo cấy thành công cần phải có kinh nghiệm khâu cải tạo đất và rửa mặn.

Ðó là chia sẻ của những lão nông có thâm niên gieo cấy thành công 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Vụ mùa năm 2016, huyện Cái Nước được tỉnh giao chỉ tiêu gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm với diện tích 2.200 ha, nhưng bà con nông dân chỉ gieo cấy được 284 ha, đạt 12,9% so với kế hoạch trên giao. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, trong quá trình gieo cấy đã có hơn 240 ha bị thiệt hại, hiện còn khoảng 40 ha cho thu hoạch và năng suất bình quân ước đạt 3 tấn/ha.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân diện tích lúa - tôm xuống giống đạt thấp, bà con nông dân cho rằng do thời tiết đầu vụ nắng hạn kéo dài, làm cho độ mặn trong vuông tôm tăng cao và thấm sâu vào lòng đất, gây khó khăn cho khâu rửa mặn nên không thể xuống giống được, thậm chí sau khi gieo sạ còn bị thiệt hại do mặn gây ra. Trong khi đó, một số diện tích lúa - tôm không bị thiệt hại, mà còn sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất trung bình từ 5-6 tấn/ha, không thua kém vùng ngọt hoá chuyên sản xuất lúa.

Vậy có phải do thời tiết không thuận lợi dẫn đến lúa - tôm bị thiệt hại? Lão nông có kinh nghiệm gieo cấy thành công vụ lúa - tôm Huỳnh Văn Chuận, ấp Rạch Muỗi, xã Phú Hưng, cho rằng, thời tiết mưa ít không phải là nguyên nhân, mà chính là do khâu rửa mặn của bà con chưa đảm bảo. Bơm tát nước vài lần rồi tiến hành xuống giống, như thế độ mặn trong đất còn khá cao, khi gặp điều kiện thời tiết nắng hạn cục bộ, độ mặn trong vuông tăng lên, cây lúa bị thiệt hại là điều không thể tránh khỏi.

Vì thế, theo nhiều năm kinh nghiệm, để sản xuất thành công một vụ lúa trên đất nuôi tôm, kể từ tháng 4-5 âm lịch hằng năm phải ngưng thả tôm nuôi và tập trung bơm tát nước, kết hợp phơi đất đến hết tháng 8, đầu tháng 9, khi ấy độ mặn trong đất mới được rửa hoàn toàn và tiến hành gieo sạ. Nếu gặp thời tiết nắng hạn cục bộ kéo dài trong giai đoạn này, cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Cách làm này được tôi áp dụng nhiều năm, chưa bị thất bại. Vụ lúa - tôm năm 2016 là một minh chứng điển hình.

Ðề cập đến khâu rửa mặn để gieo cấy thành công một vụ lúa trên đất nuôi tôm, lão nông Mai Văn Quốc, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, được Viện Lúa ÐBSCL, Trường Ðại học Cần Thơ, Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau... chọn làm điểm khảo nghiệm giống lúa chịu mặn, cũng thống nhất với quan điểm của lão nông Huỳnh Văn Chuận: "Bởi cây lúa có thể chịu được độ mặn cao ở mức độ nhất định, nên khâu rửa mặn sẽ quyết định đến thành công vụ mùa, vì thế tôi tiến hành rửa mặn và phơi đất ngay đầu mùa mưa. Kết quả sau hơn 10 năm gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm, năng suất lúa luôn ổn định, đạt trung bình từ 5-6 tấn/ha. Nếu khâu rửa mặn không tốt, sau khi gieo cấy cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, nhưng đến giai đoạn đẻ nhánh, rễ lúa ăn sâu vào bên trong lòng đất, gặp phèn mặn sẽ không phát triển cho dù thời tiết thuận lợi, không bị nắng hạn cục bộ gây ra cây lúa vẫn chết và không cho thu hoạch".

Nói đến kinh nghiệm gieo cấy thành công một vụ lúa trên đất nuôi tôm của lão nông Huỳnh Văn Chuận và Mai Văn Quốc, Kỹ sư Nguyễn Văn Khoa, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cái Nước, cho biết: "Con tôm và cây lúa là 2 đối tượng cây trồng, vật nuôi khác nhau, thích nghi ở 2 điều kiện môi trường sinh thái riêng biệt. Do đó, để sản xuất thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm, khâu rửa mặn triệt để là hết sức cần thiết. Phải cắt vụ tôm vào mùa mưa để tập trung rửa mặn và phơi đất nhằm làm cho độ mặn trong đất giảm xuống, giúp cây lúa phát triển. Vì vậy, kinh nghiệm sản xuất thành công một vụ lúa trên đất nuôi tôm của lão nông Huỳnh Văn Chuận và Mai Văn Quốc là hoàn toàn có cơ sở, bà con nông dân nên học hỏi áp dụng cho vụ lúa - tôm năm 2017 và những năm tiếp theo".

Huỳnh Việt Cà Mau Online