Cần làm những gì để xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam?
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản xuất tôm và dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú. Tôm cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam. Tôm Việt Nam đã khẳng định chỗ đứng tại 90 quốc gia nhưng việc xây dựng thương hiệu cho nó mới chỉ ở những bước đầu.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản xuất tôm và dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú. Có thời điểm xuất khẩu tôm đạt đến gần 4 tỷ USD và mặt hàng này đã xuất hiện ở nhiều thị trường. Xin ông cho biết đến thời điểm hiện tại, con tôm Việt Nam đã thực sự có thương hiệu trên thị trường thế giới hay chưa?
- Ông Đào Đức Huấn: Trong năm 2016, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,1 tỷ USD, vượt Thái Lan để đứng đầu thế giới và thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản...
Nếu nói con tôm Việt Nam chưa có thương hiệu thì không đúng, Thực sự các doanh nghiệp nhập khẩu và các nhà phân phối đã quá hiểu về tiềm năng và thế mạnh của tôm Việt Nam và đó cũng là thương hiệu. Nhưng chưa nhiều người tiêu dùng hiểu được và biết rõ về tôm Việt Nam. Thương hiệu không chỉ đơn giản là nhiều người biết, mà đó là khả năng nhận diện, uy tín, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm đồng thời đó còn là khả năng tiếp cận và độ tin cậy về nguồn gốc, chất lượng đối với sản phẩm trên thị trường.
- Thưa ông, thời điểm này, để bàn về việc xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam liệu có quá muộn?
- Ông Đào Đức Huấn: Để xây dựng một thương hiệu cần hội tụ đủ nhiều yếu tố. Thứ nhất là khả năng kiểm soát hoạt động sản xuất để đưa ra thị trường sản phẩm đồng đều, có tiêu chuẩn và đặc biệt là kiểm soát được chất lượng. Thời gian vừa qua là giai đoạn chúng ta định hình về khả năng sản xuất, xác định những lợi thế sản phẩm để tiếp cận thị trường một cách tốt nhất. Thứ hai là khả năng của các doanh nghiệp: khả năng chế biến, mở rộng thị trường, đặc biệt là hình thành sản phẩm riêng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề này đòi hỏi các doanh nghiệp hội tụ đủ cả nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ và sự quyết tâm để vươn ra thị trường thế giới.
Thương hiệu tôm chỉ có ý nghĩa khi sản phẩm của chúng ta đến được tay người tiêu dùng với dấu hiệu nhận diện rõ ràng, chất lượng đảm bảo, ổn định và được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng. Với những lý do đó, ở thời điểm này tuy có hơi trễ nhưng không quá muộn, chúng ta vẫn còn nguyên cơ hội và đây là thời điểm hội tụ đủ điều kiện để tiến hành xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.
- Thưa ông, điều khó nhất để xây dựng thương hiệu cho tôm Việt Nam là gì?
- Ông Đào Đức Huấn: Khó khăn nhất hiện nay đó là xây dựng được hình ảnh “Product of Việt Nam." Chúng ta phải thay từ “Made in Vietnam” thành từ “Product of Vietnam.” Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải hình thành tiêu chuẩn mang thương hiệu tôm Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có tôm chân trắng, tôm sú, tôm biển, vậy cần cân nhắc chọn con tôm nào, lấy tiêu chuẩn chất lượng nào để xây dựng thương hiệu, lấy tiêu chuẩn dinh dưỡng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (tôm sạch) hay tiêu chuẩn về thương mại khác...
Cũng giống như các nông sản khác, đây là thách thức lớn nhất để xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, trong bối cảnh các thị trường như EU, Mỹ, Nhật có quy cách chế biến, sở thích mẫu mã chế biến khác nhau, việc kiểm soát phụ gia cũng khác nhau. Vậy làm thế nào hình thành một tiêu chuẩn chung để sản phẩm có thể đáp ứng đươc các thị trường.
Thêm nữa là vấn đề kiểm soát sản xuất. Vấn đề giống, dịch bệnh, môi trường vẫn là những thách thức rất lớn trong nuôi tôm. Tôm là loại sản xuất đòi hỏi chi phí lớn, nhưng rủi ro lại cao. Do đó, nếu không có sự ổn định và khả năng kiểm soát về giống, dịch bệnh thì việc áp dụng các điều kiện khác cũng sẽ rất khó khăn.
Giải quyết đồng bộ cả về giống, kỹ thuật và khả năng kiểm soát dịch bệnh là 3 tách thức khi xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.
Thứ ba là sự chủ động và quyết tâm của hệ thống doanh nghiệp chế biến và thương mại. Để xây dựng và duy trì sự ổn định thương hiệu tôm Việt Nam thì doanh nghiệp phải giữ vai trò nòng cốt, do đó chữ “đức” và chữ “tín” của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với đó là sự hợp tác, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo dựng một công cụ chung, một định hướng chung của toàn ngành.
Điều này không dễ dàng, bởi thực tế nhiều ngành hàng nông sản của chúng ta cho thấy các doanh nghiệp tập trung cạnh tranh nội bộ nhiều hơn là cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác. Chúng ta có thể làm nhiều cách để có thể bán được hàng, mà những điều đó lại làm giảm uy tín cho cả một ngành hàng và cả một quốc gia.
- Như ông đã trình bày, có rất nhiều chi tiết để xây dựng tiêu chuẩn làm thương hiệu cho tôm Việt Nam, trong đó có khâu chọn giống. Xin ông cho biết hiện nay, người nuôi tôm đã có giống và chủ động khâu sản xuất giống chưa?
- Ông Đào Đức Huấn: Ở Việt Nam hiện nay, tôm bố mẹ được cung cấp từ nguồn khai thác tự nhiên kết hợp với nhập khẩu từ nước ngoài. Chất lượng tôm bố mẹ vẫn chưa ổn định, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, song vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, chúng ta chưa làm chủ công nghệ chọn tạo, cung ứng giống, giá thành sản xuất tôm còn cao, phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo.
Cả nước hiện có khoảng 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó có 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cung cấp hơn 100 tỷ tôm giống mỗi năm. Tuy nhiên, lượng tôm giống này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nội địa, đặc biệt là tôm chân trắng.
Việc các chợ tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch, chất lượng không đảm bảo gây rủi ro cho hoạt động chăn nuôi của người dân.
- Tình trạng bơm, chích tạp chất vào tôm nguyên liệu làm mất uy tín thương hiệu tôm Việt Nam và mới đây, Chính phủ cũng ra thông điệp cứng rắn tuyên chiến với những hành vi này. Theo ông, để ngăn chặn tình trạng này thì các chế tài hiện nay đã đủ sức răn đe hay chưa và cần có những thay đổi nào để phù hợp với thực tế?
- Ông Đào Đức Huấn: Chính phủ đã ban hành Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kịp thời thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm có dấu hiệu đưa tạp chất vào tôm hoặc sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tiến hành rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về tạp chất; Bộ Công an phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân… xác định tội danh đối với hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Ngoài việc tăng cường công tác quản lý và hoàn thiện chính sách, pháp luật, vấn đề tổ chức sản xuất cũng rất quan trọng. Cần tăng cường việc sản xuất, chế biến theo liên kết chuỗi giá trị.
- Tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam mới đây, bên cạnh việc phải xây dựng thương hiệu tôm trên cơ sở đặc thù, lợi thế từng địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra mục tiêu trước năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm phải đạt 10 tỷ USD. Theo ông, để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp cần phải có những giải pháp nào?
- Ông Đào Đức Huấn: Tới đây, chúng ta cần cân đối diện tích nuôi trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, thế mạnh của từng vùng, mở rộng diện tích trong điều kiện có thể để tránh các rủi ro về môi trường và dịch bệnh. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất tôm thẻ chân trắng.
Việc kiểm soát được vấn đề về giống và dịch bệnh; trong đó đặc biệt là vấn đề dịch bệnh cũng là để hạn chế những rủi ro trong sản xuất. Bên cạnh đó, nâng cao giá trị của sản phẩm thông qua việc kiểm soát về chất lượng, quy trình sản xuất, chứng nhận chất lượng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.
Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm tôm an toàn, sinh thái nhằm nâng cao giá bán sản phẩm; mở rộng các sản phẩm chế biến sâu để gia tăng giá trị của sản phẩm.
- Xin cảm ơn ông!