Cần nhân rộng mô hình xử lý nước thải trong nuôi tôm
Hiện nay, tình trạng xả thải từ nuôi tôm siêu thâm canh đang diễn ra rất phức tạp. Không ít doanh nghiệp, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh lén lút xả thải chưa xử lý ra môi trường. Dù ngành chức năng đã đẩy mạnh các biện pháp như tuyên truyền, xử phạt nhưng tình trạng trên vẫn xảy ra.
Để vận động, khuyến khích nông dân nuôi tôm siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường, Sở TN-MT đã đầu tư, hỗ trợ nông dân về chi phí cũng như kỹ thuật xây dựng mô hình xử lý chất thải trong nuôi tôm. Mô hình được triển khai thử nghiệm tại hộ ông Võ Văn Tiến (xã Điền Hải, huyện Đông Hải). Bước đầu vận hành mô hình thử nghiệm đã cho nhiều kết quả khả quan, hứa hẹn mamg lại hiệu ứng tích cực, giảm bớt tình trạng xả thải chưa qua xử lý trong nuôi tôm.
Trên diện tích khoảng 100m2, hệ thống gồm 3 ao lắng và một hầm biogas chứa chất thải rắn. Đây là kỹ thuật được Công ty TNHH MTV Long Mạnh chuyển giao và hướng dẫn lắp đặt. Tổng nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý này khoảng 60 triệu đồng, phục vụ hơn 1,3ha mặt nước ao nuôi siêu thâm canh. Quy trình thực hiện mô hình cũng không đòi hỏi quá nhiều về kỹ thuật. Không chỉ xử lý được chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà nước sau quá trình xử lý còn có thể tái sử dụng để tiếp tục nuôi tôm, giúp người nuôi chủ động hơn trong điều kiện nguồn nước nuôi khan hiếm.
Ông Võ Văn Tiến (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Từ khi lắp đặt và đưa vào sử dụng cho đến nay thì môi trường nuôi rất an toàn, nguồn nước sau khi qua hệ thống xử lý có thể tái sử dụng để nuôi các loài thủy sản khác, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và đảm bảo an toàn cho vùng nuôi”.