Cần tăng cường quản lý môi trường vùng nuôi thủy sản
Do thời tiết bất lợi nên tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để ổn định vùng nuôi, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, người nuôi cần tăng cường quản lý môi trường vùng nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh cho thủy sản nuôi.
NHIỀU VÙNG NUÔI CHƯA ỔN ĐỊNH
Hiện nay, môi trường nước tại nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh không ổn định, tình hình dịch bệnh trên tôm ngày càng phức tạp. Tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), do thời tiết bất lợi nên tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu năm đến nay khá phức tạp. Theo ông Trần Văn Sang, người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), từ đầu năm đến nay, ông đã thả nuôi 2 vụ trên diện tích khoảng 4.000m2. Vụ nuôi thứ nhất, tôm gần 2 tháng thì bị bệnh và chết hàng loạt, ông lỗ gần 40 triệu đồng. Vụ nuôi thứ hai, đến kỳ thu hoạch tôm lại bị bệnh, nhưng nhờ kéo bán kịp thời nên vụ nuôi này ông có lãi hơn 40 triệu đồng. Hiện ông thả nuôi vụ ba được hơn 1 tháng, đến nay tôm vẫn bình thường nhưng chậm lớn. Còn ông Nguyễn Bút, người nuôi tôm ở xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa), cho hay: “Từ đầu năm đến nay, ở vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch, nhiều người nuôi lỗ nặng nhưng cũng có người trúng lớn. Riêng gia đình tôi thả nuôi 3 hồ với diện tích 18.000m2. Cả ba lần thả nuôi vừa qua đều thất bại, tôm cỡ 15-25 ngày thì bị bệnh chết hết. Cả ba lần thả tôm này tôi lỗ khoảng 60 triệu đồng. Hiện tôi vẫn tiếp tục thả nuôi lần thứ tư, tôm đã hơn 1 tháng. Tôi hy vọng lần này tôm không bị bệnh, may ra gỡ lại vốn…”.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, từ đầu vụ nuôi tôm 2016 đến nay, nhiều vùng nuôi tôm trên địa bàn huyện xảy ra dịch bệnh. Tính đến nay, diện tích tôm thả nuôi trên địa bàn huyện hơn 580ha (đạt khoảng 66% so kế hoạch, giảm 10,5% so cùng kỳ), trong đó vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 455ha, vùng nuôi tôm trên cát 125ha. Tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh khoảng 85ha, trong đó vùng hạ lưu sông Bàn Thạch khoảng 60ha, vùng nuôi tôm trên cát 25ha. Cơ quan thú y lấy mẫu kiểm tra đã phát hiện một số bệnh như đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa đã đề nghị Sở NN-PTNT hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh ở tôm nuôi trên địa bàn huyện. Huyện cũng tổ chức mở lớp tập huấn về bệnh tôm và các giải pháp phòng trừ bệnh để người nuôi biết cách phòng trị…
Tại huyện Tuy An, đến nay diện tích thả tôm nuôi khoảng 380ha, nhưng khoảng 25ha tôm nuôi bị bệnh. Theo ông Trần Sáu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài rồi lại đổ mưa đột ngột nên vật nuôi mất sức đề kháng và bị bệnh. Đa số tôm nuôi bị bệnh mắc chứng hoại tử gan tụy cấp.
Còn tại TX Sông Cầu, mới đây cũng xảy ra hiện tượng tôm hùm, cá mú nuôi chết hàng loạt tại thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, gây thiệt hại hơn 9 tỉ đồng. Ông Ngô Văn Ngọc ở thôn Phú Mỹ, cho biết: “Gia đình tôi thả nuôi hơn 50 lồng tôm hùm, đạt trọng lượng 0,5-0,8kg/con. Chỉ riêng hai ngày 11 và 12/6, hơn 3.000 con tôm bị chết, thiệt hại khoảng 1,2 tỉ đồng. Tại khu vực nuôi có hiện tượng nước biển phân tầng, khi lặn xuống kiểm tra tôm thì thấy tầng nước phía trên nóng, tầng nước gần dưới đáy rất lạnh và có màu vàng đục, có nơi màu đen và màu đỏ thẫm…
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG NƯỚC
Theo Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT), trung tâm vừa thu một số mẫu nước tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh để kiểm tra. Kết quả phát hiện một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng cho phép. Cụ thể, tại vùng nuôi Vũng Diều, Mỹ Phú (huyện Tuy An), Vũng Tàu, Phước Giang (huyện Đông Hòa) có độ kiềm dao động từ 60-80mg/l, không phù hợp với nuôi trồng thủy sản. Chỉ tiêu NH3 (amoniac) vượt 2,28 lần so với ngưỡng cho phép phát hiện tại vùng nuôi cầu Xác Cháy (huyện Đông Hòa). Chỉ tiêu PO4 (phốt phát) vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại Vũng Tàu, cầu Xác Cháy (huyện Đông Hòa), Diêm Hội (huyện Tuy An), Phú Mỹ (TX Sông Cầu) và dao động từ 0,23-1,17mg/l. Hàm lượng ôxy hòa tan tại một số vùng nuôi thấp hơn ngưỡng cho phép, riêng tại vùng nuôi tôm hùm thôn Phú Mỹ có hàm lượng ôxy hòa tan cực thấp là nguyên nhân làm cho tôm hùm, cá mú chết hàng loạt vào ngày 11-12/6.
Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, do thời tiết biến đổi bất thường, một số hộ nuôi không đảm bảo kỹ thuật trong khâu vệ sinh ao hồ, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa phù hợp, người nuôi tôm chưa chấp hành quy chế vùng nuôi, thả nuôi chưa đồng bộ nên dịch bệnh xảy ra mang tính lây lan. Phòng NN-PTNT huyện tiếp tục phối hợp với cơ quan thú y, trung tâm khuyến ngư tăng cường kiểm tra và hướng dẫn nông dân thả nuôi, chăm sóc phòng trị bệnh tôm ở các vùng nuôi trên địa bàn huyện đạt hiệu quả.
Ông Lê Quang Hiệp, Giám đốc Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản, cho biết: Tại vùng nuôi có lượng NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi tôm cần tăng cường sục khí cho ao nuôi, sử dụng các chế phẩm sinh học, cấy men vi sinh định kỳ 1 lần/tuần để ổn định pH. Tại các vùng nuôi có hàm lượng PO4 vượt ngưỡng giới hạn, cần đề phòng tảo độc phát triển. Tại vùng nuôi có nguy cơ tồn đọng nhiều chất hữu cơ, người nuôi cần quản lý tốt lượng thức ăn, không để thức ăn thừa. Các vùng nuôi có nguy cơ thiếu ôxy vào sáng sớm nên tăng cường hệ thống quạt đối với các ao có tôm lớn. Riêng vùng nuôi tôm hùm, các hộ nuôi bè nên thường xuyên vệ sinh lưới lồng sạch sẽ, di chuyển bè ra nơi có dòng chảy hoặc nâng lồng nuôi tôm hùm lên ở mức độ vừa phải vì lớp trầm tích khá dày ở đáy lồng kết hợp với nắng nóng làm cho NH3 tăng cao dẫn đến hàm lượng ôxy hòa tan trong môi trường nước thấp gây ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Tại vùng nuôi Mỹ Phú, xã Xuân Phương có lượng ôxy hòa tan rất thấp, nguồn nước đang bị ô nhiễm, phân tầng nhiệt rõ rệt, người nuôi cần lưu ý thường xuyên làm vệ sinh lưới lồng sạch sẽ, thông thoáng để tăng lưu tốc dòng chảy, có biện pháp tăng hàm lượng ôxy trong lồng nuôi, sắp xếp lại vị trí lồng bè nuôi trong vùng để nước lưu thông tốt nhất.
Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi thủy sản các loại đạt khoảng 1.755ha (giảm 10% so với cùng kỳ); trong đó, tôm sú khoảng 220ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 1.135ha, còn lại là thủy sản khác. Lũy kế từ đầu năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có 96,3ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp.