TIN THỦY SẢN

Cảng bị lấp, tàu bơ vơ

Cảng Đông Hải bị bồi lấp, ngư dân phải đưa hải sản vào đất liền bằng đường vòng để bán.  Ảnh: LÊ TRƯỜNG Lê Trường - Trúc Hà - Kỳ Nam

Hàng loạt cảng cá từ tỉnh Bình Thuận đến Khánh Hòa bị bồi lấp, tàu thuyền không thể cập bến để giao thương

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại 3 cảng cá: Đông Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), La Gi (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), tình trạng bồi lấp luồng lạch hiện rất nghiêm trọng…

Tàu thuyền không chỗ đậu

Gần 3 tháng qua, sau mỗi chuyến ra khơi trở về, ông Năm Tích (ngụ phường Đông Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm) phải đưa tàu về neo đậu ở bến cá Mỹ Tân, huyện Ninh Hải, cách cảng Đông Hải gần 7 km để bán hải sản. Nhiều chủ tàu cá ở các phường Mỹ Đông, Đông Hải (TP Phan Rang - Tháp Chàm) cũng chung cảnh ngộ vì cảng Đông Hải bị bồi lấp, tàu thuyền không vào được.

Cảng Đông Hải được xây dựng từ năm 1994. Đây là cảng cá lớn thứ hai ở tỉnh Ninh Thuận, có thể tiếp nhận vài trăm tàu có công suất từ 100-200 CV, thậm chí đến 450 CV. Do vị trí của cảng tiếp giáp với hạ lưu sông Dinh nên lượng phù sa từ thượng nguồn đổ về, cộng với bùn cát tại chỗ khoảng gần 20.000 m3 bồi lấp. "Từ năm 2008 đến nay, cảng chưa được nạo vét nên lượng bùn đất bồi lấp đã trên 150.000 m3, không tàu nào vào được" - ông Lê Huy Vũ, Giám đốc cảng cá Đông Hải, cho biết.

Do tàu không cập bến được nên nguồn hải sản qua cảng giảm mạnh khiến các cơ sở dịch vụ kinh doanh hậu cần nghề cá ở phường Đông Hải thiếu nguồn nguyên liệu trầm trọng và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Không vào được cảng Đông Hải, các tàu cá phải di chuyển đến khu vực cảng Ninh Chữ và Mỹ Tân, huyện Ninh Hải để tiêu thụ hải sản. Tuy nhiên, do cả 2 cảng cá này có quy mô nhỏ, tàu vào gần bờ phải hạ neo, sau đó thuê thuyền thúng vận chuyển hải sản vào đất liền để bán cho thương lái nên rất tốn kém.

Tình trạng ở cảng La Gi, tỉnh Bình Thuận cũng tương tự. Được đưa vào sử dụng từ năm 2005 nhưng hiện nay, đường vào cảng đã bị bồi lấp, tàu có công suất lớn không thể cập bến. Từ năm 2012 đến nay, đã có gần 10 tàu khi ra vào cảng La Gi bị chìm, gãy chân vịt vì vướng vào cồn cát. Hiện ngư dân La Gi muốn ra khơi phải chờ thủy triều lên, tàu có công suất lớn phải giảm trọng lượng, nhờ tàu nhỏ kéo ra vùng nước sâu.

Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) là cảng lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, có khả năng đón tàu từ 400 - 1.000 CV. Gần 6 năm qua, cảng chưa được nạo vét nên vào mùa mưa bão hằng năm, phù sa từ các sông Tắc, sông Quán Trường đổ về bồi lấp. Hiện độ sâu của cửa cảng chỉ còn khoảng 4 m, tàu thuyền phải rất khó khăn mới vào được.

Nạo vét ì ạch

Cuối năm 2012, UBND tỉnh Ninh Thuận đã triển khai dự án khơi thông luồng lạch cảng Đông Hải, kinh phí trên 13,5 tỉ đồng với khoảng gần 120.000 m3 bùn đất cần nạo vét. Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 1-2013, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5-2013. Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận, do năng lực nhà thầu yếu nên đến nay mới chỉ mới nạo vét khoảng… 300 m3. Một số hạng mục khác như sửa chữa kè, cầu cảng… chưa được triển khai. "Đơn vị thi công nạo vét là Công ty TNHH Dịch vụ và Tư vấn đầu tư Thanh Sơn cam kết đẩy nhanh tiến độ công trình nhưng rốt cuộc vẫn ì ạch. Chúng tôi đã đình chỉ thi công đối với công ty này, báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận xin ý kiến xử lý" - ông Lê Huy Vũ cho biết.

Việc nạo vét Cảng La Gi cũng như… "muối bỏ biển" bởi lượng cát bị bồi lấp rất lớn trong khi năng lực của đơn vị nạo vét thì hạn chế nên việc khơi thông luồng lạch của cảng chỉ là tạm thời. Bà Phùng Thị Thọ, Chủ tịch UBND thị xã La Gi, cho biết: "Chúng tôi cũng đã kiến nghị tỉnh cho xây dựng kè ở khu vực cửa ra vào nhằm hạn chế sóng biển đưa cát vào bồi lấp. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho công trình này rất lớn nên phải xin thêm kinh phí mới có thể thi công được".

Chưa ảnh hưởng đến tàu bè (!?)

Cảng bị bồi lấp khá nghiêm trọng như vậy nhưng theo ông Trần Đức Thi, Phó Giám đốc Cảng vụ Nha Trang, tình trạng này chưa ảnh hưởng nhiều đến tàu bè. Tuy nhiên, cũng chính ông Thi lại cho rằng: "Nạo vét cảng là cần thiết!".

Theo ông Thân Văn Quy, Giám đốc Trung tâm Khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, hiện tỉnh đã có kế hoạch cải tạo kè Vĩnh Trường (đối diện cảng Hòn Rớ), trong đó bao gồm cả việc nạo vét gò cát phía trước cảng, phần nào tạo thuận lợi cho tàu bè cập bến.

 

Lê Trường - Trúc Hà - Kỳ Nam Người Lao Động