Cấp bách xây dựng thương hiệu và khai thác bền vững
Giá trị kinh tế biển còn thấp, chưa xứng tầm, trong khi hình thức khai thác thiếu bền vững, dẫn đến nguồn lợi biển ngày càng bị cạn kiệt, ô nhiễm.
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã nêu nhiều giải pháp để đánh thức tiềm năng biển, đảo Việt Nam, trong đó có vấn đề cấp bách là xây dựng thương hiệu và khai thác bền vững.
Nhiều thách thức trước tiềm năng, cơ hội
Với chiều dài bờ biển hơn 3.260km, hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ, thềm lục địa rộng hơn một triệu ki-lô-mét vuông, hệ thống các đảo, quần đảo rất đa dạng về sinh thái là nguồn tài nguyên có tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế biển đảo nước ta. Ngoài ra, các xã đảo thuộc các huyện ven biển, diện tích đất nổi của 12 huyện đảo là gần 2.500km2 (tương đương với diện tích các tỉnh Bạc Liêu, Tiền Giang, lớn gấp 3 lần diện tích tỉnh Bắc Ninh và gấp 2 lần diện tích tỉnh Vĩnh Phúc) hợp thành bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Vùng biển Việt Nam có khoảng 35 loại hình khoáng sản.
Thạc sĩ Dương Long Trì, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho rằng: Tiềm năng thủy sản của Việt Nam rất lớn, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,1 tỷ đô-la Mỹ và đứng thứ 4 thế giới; nuôi trồng thủy hải sản ven biển đứng thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, giá trị kinh tế nêu trên vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Hiện nay mới chỉ có một số sản phẩm xây dựng được thương hiệu. Nhiều sản phẩm thủy sản đã bị các công ty nước ngoài đăng ký thương hiệu, gây bất lợi trong xuất khẩu. Cụ thể như thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã bị một công ty ở Mỹ giành quyền đăng ký bảo hộ từ năm 1982.
Chính phủ xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn và đang tập trung đầu tư mạnh mẽ. Nhu cầu về hải sản trên thế giới ngày càng tăng cao, Việt Nam gia nhập WTO đã tạo cơ hội cho ngành thủy sản phát triển xứng tầm… Bên cạnh những cơ hội lớn là thách thức lớn trong khai thác thủy sản xa bờ có nhiều rủi ro, các tàu đánh bắt xa bờ còn thiếu và yếu, dịch vụ neo đậu tránh trú bão, quản lý tàu thuyền… chưa được đầu tư đúng mức, đồng bộ.
PGS, TS Trần Hồng Thái, Phó viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường cho rằng: Biến đổi khí hậu diễn biến bất thường, khó dự báo, gây hậu quả nặng nề hơn đối với hệ sinh thái biển. Thực tế đó đang đặt ra những thách thức lớn trong việc tổ chức khai thác tiềm năng biển đảo để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm hiệu quả cao.
Cần tạo bứt phá cho kinh tế biển, đảo
PGS, TS Bùi Tất Thắng, Quyền viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Trước mắt, tập trung xây dựng một số đảo có điều kiện thuận lợi và nhiều tiềm năng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển đảo, gắn kết kinh tế đảo với vùng ven biển và nội địa. Đặc biệt ở các lĩnh vực trọng yếu cần ưu tiên như xây dựng hệ thống hạ tầng trên đảo để thu hút đầu tư và khuyến khích nhân dân ra định cư vừa phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; phát triển một số ngành, sản phẩm chủ lực có lợi thế như hải sản, du lịch, dịch vụ nghề cá.
Tiến sĩ Trần Kim Dung, Hội KHKT và Kinh tế biển TP Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh, cần phải chú trọng hơn đến thông tin, tuyên truyền biển đảo để xây dựng thương hiệu biển Việt Nam. Thương hiệu biển đảo Việt Nam phải được xem xét ở góc độ tuyên truyền nâng cao nhận thức về biển đảo, trong đó con người là chủ thể để khai thác, phát triển, quảng bá tiềm năng thế mạnh của biển đảo. Người dân ở vùng xa vẫn chưa được tiếp cận những thông tin chính thống, có hệ thống. Hiện nay, nhiều nguồn tài liệu quý giá chưa được thẩm định, chưa được hệ thống dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí chệch hướng. Do đó, cần có định hướng trong đưa thông tin về biển đảo để mỗi người dân nhận thức rõ và xác định trách nhiệm của mình trước vấn đề bảo vệ chủ quyền, khai thác tốt tiềm năng biển đảo và là kênh quảng bá tiềm năng, thế mạnh biển đảo đến với bạn bè thế giới. Hiện nay, nhiều cảng biển được xây dựng theo kiểu phong trào, lãng phí, chưa tính toán đến hiệu quả, gắn với yêu cầu của thị trường vận tải quốc tế và tầm nhìn dài hạn.
PGS, TS Vũ Thanh Ca, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: Điều lo nhất hiện nay trong khai thác tiềm năng biển đảo là công tác quản lý khai thác còn nhiều bất cập. Một số nơi, người dân vẫn dùng thuốc nổ để khai thác, tận diệt hải sản. Do đó, Nhà nước và các ngành chức năng, địa phương cần nâng cao công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời quy hoạch và tổ chức khai thác nguồn lợi, thế mạnh biển đảo ở địa phương mình một cách hợp lý, bảo đảm tính bền vững.