Câu cá ngừ đại dương có dùng đèn cao áp: Không khuyến khích
Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT-BVNLTS) thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT khẳng định chưa thể cấm nghề câu cá ngừ đại dương có dùng đèn cao áp vì nếu cấm sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống nhiều ngư dân. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ đây có phải là nghề khai thác hủy diệt hay không…
Đầu tư thấp, sản lượng đạt cao, rút ngắn chuyến biển là yếu tố chính để ngư dân chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương dùng đèn cao áp. Ông Nguyễn Dân, chủ tàu cá BĐ96588TS ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cho biết: “Nghề câu đèn đầu tư đơn giản, chỉ hệ thống khoảng 20 bóng đèn, mỗi bóng có công suất từ 1.000-3.000W, một ngư dân ngồi trên tàu thả 2-4 dây câu, mỗi dây khoảng 4-6 lưỡi câu móc mồi mực xà tươi sống là có thể câu được cá ngừ. Khi tàu chong đèn, mực xà tập trung dưới tàu, cá ngừ đại dương di chuyển theo bắt mồi và dính câu”. Phương pháp này đã nâng sản lượng khai thác những tháng đầu năm nay tăng đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng cá ngừ đại dương khai thác được của 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa đạt trên 11.700 tấn, gần bằng sản lượng cả năm 2011.
Theo số liệu của Cục KT-BVNLTS, trong tổng số hơn 2.400 tàu khai thác cá ngừ đại dương cả nước hiện nay, số tàu câu đèn cao áp chiếm hơn một nửa. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Bình Định với hơn 1.000 tàu, tỉnh Phú Yên có gần 50 tàu. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Cơ sở hậu cần và dịch vụ nghề cá (Cục BV-KTNLTS), do nghề câu cá ngừ kết hợp với ánh sáng đèn đạt năng suất cao nên nhiều tàu thuyền hành nghề khác trên biển đã chuyển sang nghề này. Không chỉ các phương tiện hành nghề chụp mực, câu mực, lưới vây, lưới rê… mà cả nghề câu vàng cá ngừ truyền thống cũng chuyển sang nghề kết hợp câu bằng đèn cao áp. Cục KT-BVNLTS có chủ trương chưa thể cấm nghề câu cá ngừ đại dương kết hợp dùng đèn cao áp vì nghề này phát triển quá nhanh, nếu cấm sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống rất nhiều ngư dân.
Tuy nhiên, cá ngừ đại dương câu tay kết hợp dùng đèn cao áp có chất lượng kém, giá bán thấp. Phân tích của Cục KT-BVNLTS, số cá ngừ đại dương đánh bắt được từ nghề câu đèn cao áp cho thấy thịt cá có mùi và vị chua, độ kết dính của cơ thịt giảm, nhiều con cá sau khi đánh bắt có cơ thịt bị tách rời khỏi xương. Giá cá ngừ câu đèn cao áp hiện bán giảm từ 40-50% so với giá cá ngừ câu vàng truyền thống. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Cơ sở hậu cần và dịch vụ nghề cá (Cục BV-KTNLTS), khi mới xuất hiện nghề câu đèn cao áp, thương lái Trung Quốc mua cá câu đèn với giá tương đương cá câu vàng, nhưng khi nghề câu đèn rộ lên, giá cá câu đèn liên tục giảm. Đây là một vấn đề nguy hiểm, ngư dân cần hiểu rõ để không nên chạy theo. Bà Trịnh Thị Ngọc Sâm, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vinh Sâm, cho biết: “Cá ngừ đại dương có được giá cao như trước đây là nhờ xuất khẩu nguyên con sang các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản. Nhưng cá ngừ câu bằng đèn cao áp có chất lượng thấp nên không thể xuất được. Cá câu đèn cao áp bên ngoài trông rất đẹp, nhưng bên trong lại bị phân hủy rất nhanh. Nếu cá xuất sang các nước thì khả năng trả về là rất cao…”. Hiện tại cá ngừ câu đèn cao áp chỉ được các doanh nghiệp mua về cắt lát đông lạnh hoặc đóng hộp tiêu thụ trong nước và xuất sang thị trường Trung Quốc.
Ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng nên hạn chế nghề câu đèn vì trữ lượng cá ngừ đại dương ở Việt Nam có hạn (khoảng 50.000 tấn), nếu phát triển ồ ạt nghề câu đèn, sản lượng đánh bắt cao, nhưng giá bán thấp không phải là cách tốt. Trong khi đó, ông Võ Thiên Lăng, Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, khảo sát trong số cá ngừ câu đèn tại các tỉnh miền Trung vừa qua, tất cả số cá câu được đều có ôm trứng nên cần xem lại liệu đây có phải là nghề hủy diệt?
Trước tình hình trên, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản gấp rút nghiên cứu kỹ về nghề câu cá ngừ đại dương có sử dụng đèn cao áp. Cần tìm ra nguyên nhân vì sao chất lượng cá ngừ đại dương giảm do câu tay có dùng ánh sáng đèn và nghiên cứu kỹ đây có phải là nghề khai thác hủy diệt hay không. Bộ NN-PTNT không có chủ trương khuyến khích phát triển nghề này…