TIN THỦY SẢN

Chấm dứt vụ kiện CVD – chiến thắng thuộc về người tiêu dùng Mỹ

Nguyễn Bích

Ngày 20/9/2013 Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đã biểu quyết và đi đến quyết định rằng ngành công nghiệp tôm của Mỹ không hề bị ảnh hưởng gì về vật chất và cũng không hề bị đe dọa ảnh hưởng về vật chất do việc trợ cấp của Chính phủ các nước XK tôm nước ấm đông lạnh từ Trung Quốc, Ecuador, Ấn độ, Malaysia và Việt Nam vào Mỹ. Kết quả thắng lợi này không chỉ dành cho các nước XK tôm sang Mỹ mà còn dành cho chính người tiêu dùng Mỹ.

Với kết quả bỏ phiếu này, quyết định cuối cùng vụ kiện chống trợ cấp tôm nước ấm từ Việt Nam và 4 nước khác của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ra ngày 12/8/2013 đã bị phủ quyết và hoàn toàn không có giá trị pháp lý để tiến hành thực thi.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, các nhà NK tôm Mỹ cũng như các nước XK tôm bị cáo buộc đã bày tỏ sự đồng tình với một quyết định hoàn toàn hợp lý này.

Trả lời phỏng vấn IntraFish, Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) Bill Dresser cho rằng đây là quyết định hoàn toàn hợp lý và đây cũng là chiến thắng của chính người tiêu dùng Mỹ. “Từ nay, tôm hoàn toàn có thể là nguồn cung cấp protein có giá phù hợp cho chúng ta”, Bill Dresser nói.

Nhận định về thị trường Mỹ trong thời gian ngắn hạn và dài hạn, đại diện một công ty NK Mỹ cho biết về nguồn cung và giá tôm trong thời gian ngắn hạn sẽ không có nhiều thay đổi. Về dài hạn, thị trường sẽ tốt hơn do các nhà XK tôm Ecuador đã bị DOC áp đặt mức thuế cao vô lý sẵn sàng quay lại thị trường.

NFI cũng cùng chung quan điểm với ITC khi cho rằng ngành khai thác tôm của Mỹ không bị ảnh hưởng với tôm nuôi NK. Dresser cho rằng hai mặt hàng này không thể cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Tôm khai thác hoàn toàn khác biệt so với tôm nuôi.

Bình luận về quyết định của ITC, John Sackton, biên tập viên website:www.ubcomtell.com cho rằng đây thực sự là bước tiến tích cực cho nền kinh tế Mỹ và cho chính người tiêu dùng tôm nước này.

Bảy tháng qua, người tiêu dùng Mỹ đã phải trả giá tôm quá đắt. Vụ kiện chống trợ cấp xảy ra cùng với thời điểm nguồn cung tôm khan hiếm do dịch bệnh tại Châu Á và Mexico. Các nhà NK tôm Mỹ đã phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Châu Âu. Ảnh hưởng của thuế CVD đã khiến các nhà NK tôm Mỹ mất đi sức cạnh tranh và kết quả là người tiêu dùng nước này phải trả giá tôm cao hơn.

Theo cách ví von của Jonh Sackton thì quyết định của ITC như rút con dao khỏi viết thương để tránh có thể sâu hơn!.

Tôm Việt Nam được minh oan

Cùng với kết quả 0% thuế chống bán phá giá giai đoạn 1/2/2011 – 31/1/2012 (POR7) đối với 33 DN XK tôm Việt Nam, kết quả bỏ phiếu phủ quyết của ITC kết thúc một vụ kiện chống trợ cấp vô lý này như sự minh oan cho ngành tôm Việt Nam.

Hai quyết định này đã chứng tỏ một thực tế rõ ràng các DN Việt Nam đã và đang hoạt động theo đúng cơ chế thị trường và không nhận được bất cứ trợ cấp nào từ chính phủ. Đây cũng là sự “đền đáp” xứng đáng với các DN XK tôm Việt Nam đã phải trải qua nhiều khó khăn và áp lực trong thời gian qua.

Năm 2013, mặc dù chịu nhiều rào cản mới từ thị trường và nguồn nguyên liệu bấp bênh do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng XK tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan và thậm chí “bù đắp” cho phần sụt giảm trong XK các mặt hàng thủy sản khác.

Tám tháng đầu năm, XK tôm đạt 1,73 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi XK cá tra giảm 1,6%, XK cá ngừ giảm 4,6% và XK mực, bạch tuộc giảm 18,2%.

Trong đó, XK sang Mỹ tăng 52,4%, đạt 445,6 triệu USD, nhờ đó Mỹ đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường NK tôm lớn nhất Việt Nam.

Ecuador thoát khỏi gánh nặng thuế

Trước khi có quyết định của ITC, DOC đã áp mức thuế CVD 11,68% cho tôm Ecuador, mức thuế cao hơn so với các nước khác. Ngành tôm Ecuador đã lên tiếng cho rằng DOC có nhiều sai lỗi trong cách tính toán mức thuế này và theo ước tính XK tôm của họ sẽ bị thiệt hại khoảng 60 triệu USD do CVD. Nhiều DN XK tôm của nước này còn dự tính sẽ ngừng cung cấp tôm cho thị trường Mỹ và chuyển sang các thị trường khác.

Ecuador hiện đang là nước cung cấp tôm lớn thứ 2 cho Mỹ. Năm 2012, nước này cung cấp 81.502 tấn tôm cho thị trường này. Đại diện Hiệp hội Tôm Hualtaco cho biết giá tôm Ecuador cũng đã giảm 0,75 USD/pao, từ 4,85 USD/pao tôm cỡ 41/50 khi chịu thuế xuống còn 4,10 USD/pao.

Ý nghĩa lớn đối với ngành thủy sản Ấn Độ

Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Ấn Độ nhờ giá trị XK tôm sang thị trường này đạt cao. Tuy nhiên, XK thủy sản của nước này đã giảm sau khi Mỹ áp thuế CBPG 10,17% năm 2005.

Số lượng DN XK thủy sản sang Mỹ giảm mạnh từ 280 DN năm 2005 xuống còn 68 DN năm 2009. Kể từ năm 2010, XK thủy sản sang Mỹ đã phục hồi nhờ thuế CBPG tôm đã giảm xuống còn 3,49%. Năm tài khóa 2012-13, Ấn Độ XK 92.447 tấn thủy sản sang Mỹ, tăng 35% so với với 68.354 tấn năm tài khóa 2011-2012.

Thuế CVD trở thành mối đe dọa lớn đối với XK thủy sản của Ấn Độ sang Mỹ. Quyết định cuối cùng của ITC là chiến thắng lớn đối với ngành thủy sản Ấn Độ. Nếu tôm Ấn Độ tiếp tục phải chịu thuế CVD, tôm Ấn Độ khó có thể cạnh tranh được với nhiều nước khác như Thái Lan trên thị trường Mỹ.

Sản xuất tôm của Ấn Độ đang gặp nhiều thuận lợi do không bị ảnh hưởng bởi Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Sản lượng tôm chân trắng của nước này gia tăng nhanh chóng nhờ đó, XK tôm Ấn Độ sang Mỹ tăng mạnh. Năm 2012-2013, sản lượng tôm chân trắng của Ấn Độ tăng 83% so với năm 2011-2012, từ 80.716 tấn lên 147.516 tấn.

Thống kê NK tôm vào Mỹ 7 tháng đầu năm cho thấy Ấn Độ là nước mức tăng mạnh nhất trong nhóm các nước cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ với 69% về khối lượng và 72% về giá trị.

Indonesia dự định tăng tốc sau phán quyết ITC

Indonesia là nước duy nhất trong 7 nước bị kiện được cho là không có trợ cấp cho ngành tôm trong cả quyết định sơ bộ và quyết định cuối cùng của DOC.

Quyết định của ITC giúp các nhà XK tôm nước này đẩy mạnh XK tôm sang Mỹ. Indonesia hiện đang là nhà cung cấp tôm lớn thứ 4 cho Mỹ và nước này đang khuyến khích phát triển nuôi tôm. Nhiều trại nuôi tôm đang hoạt động trở lại nhờ đầu tư từ nước ngoài.

Bảy tháng đầu năm 2013, Indonesia cung cấp 42.458 tấn tôm cho Mỹ, thu về trên 419,8 triệu USD.

Vụ kiện chống trợ cấp

- Ngày 28/12/2012, Liên minh công nghiệp tôm vùng vịnh Mỹ (COGSI) đệ đơn kiện 7 nước XK tôm sang Mỹ gồm Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Ecuador, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia.

- Ngày 4/6/2013, DOC công bố thuế CVD sơ bộ cho các nước. Trong đó, Ấn Độ chịu mức thuế 5,91%, Malaysia: 62,74%, Thái Lan: 2,09%, Trung Quốc: 5,76%, Việt Nam: 6,07%. Hai nước gồm Ecuador và Indonesia được kết luận sơ bộ không có trợ cấp từ chính phủ cho ngành tôm.

- Ngày 12/8/2013, DOC đưa ra quyết định cuối cùng thuế CVD đối với tôm NK từ 7 nước. Theo đó, Thái Lan và Indonesia: 0%. Ấn Độ: 5,85%, Trung Quốc: 18,16%, Ecuador: 11,68%, Malaysia: 54,50% và Việt Nam: 4,52%.

- Ngày 20/9/2013, ITC đã bỏ phiếu phủ quyết quyết định vô lý này của DOC.

Nguyễn Bích VASEP