Giải pháp giúp tôm - lúa không bị sốc môi trường đầu mùa mưa
Đầu tháng 5/2024, vùng ĐBSCL xuất hiện những cơn mưa rào bất chợt làm môi trường nước thay đổi đột ngột, tôm nuôi dễ bị sốc, phát sinh dịch bệnh, nhất là với tôm-lúa diện tích lớn. Cán bộ kỹ thuật nêu những giải pháp giúp tôm không bị sốc môi trường.
Tỉnh Kiên Giang có diện tích tôm-lúa lớn nhất nước ta, hiện đã thả nuôi 105.000 ha. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, do nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao khi nắng và giảm vào ban đêm cũng như khi có mưa, đã làm 3.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, khoảng 95% diện tích bị thiệt hại do yếu tố môi trường bất lợi, còn lại do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp.
Diện tích tôm-lúa của Kiên Giang tập trung ở các huyện An Biên, An Minh và U Minh Thượng. Những ngày này, ở đây đồng nước mênh mông với vụ tôm nước lợ đã thả giống 3 - 4 tháng, một số hộ đang thu hoạch. Không khí bao trùm sự lo lắng, bởi không thể làm mái che cho tôm như nuôi công nghiệp, mà chỉ hạn chế tác động xấu bằng việc tăng cường hoạt động đúng kỹ thuật của hệ thống mương sâu xung quanh cho tôm trú ẩn khi môi trường trên ruộng bất lợi. Những người có kinh nghiệm cho biết, nhiệt độ cao như năm nay khi vào mùa mưa là tôm dễ chết hàng loạt do sốc môi trường và dịch bệnh.
Bởi vì, trời đang nắng nóng, chợt mưa là điều kiện môi trường ruộng nuôi tôm bị biến động mạnh. Nắng nóng năm nay kéo dài, nhiệt độ có ngày lên đến 37oC, nước bốc hơi mạnh, độ mặn trong ruộng tăng, tôm nuôi đã yếu. Trời mưa rào hạ nhiệt độ, làm thay đổi độ pH và còn cuốn phèn, tạp chất quanh bờ xuống ruộng khiến chất lượng nước thay đổi.
Cán bộ Phòng Khuyến ngư - Nuôi trồng thủy hải sản thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, giới thiệu những giải pháp cần thiết để chống sốc môi trường, bảo vệ sức khoẻ cho tôm nuôi. Đó là duy trì mực nước mương bao từ 1,2 m trở lên, trên ruộng từ 0,5 m trở lên để có thể ổn định các yếu tố môi trường. Độ trong của nước đảm bảo mức từ 0,3 - 0,4 m để tránh sự phát triển của rong đáy, rong nhớt quá mức, nhiệt độ nước không quá 32°C và tránh được biến động ngày đêm trên 5°C. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời bổ sung khi mực nước hạ thấp; lưu ý lấy nước cần thông qua túi lọc (có mắt lưới dày) đường kính 0,6 m, dài từ 10 - 15 m để hạn chế mầm bệnh bên ngoài, tốt nhất nên có ao trữ nước để lấy vào ruộng khi cần thiết.
Tăng cường sử dụng vi sinh xử lý cải tạo môi trường để ổn định môi trường nuôi và bổ sung vitamin, khoáng chất... giúp tôm tăng sức đề kháng, chống chọi với nắng nóng. Đặc biệt với tôm 1 - 2 tháng thả nuôi. Kiểm tra, duy trì các yếu tố môi trường trong khoảng thích hợp, độ mặn 8 - 15‰.
Nếu độ trong của nước cao và màu nước nhạt, cần dùng phân DAP ngâm nước qua đêm tạt khắp ruộng theo liều lượng từ 10-15 kg/ha. Bên cạnh, có thể sử dụng chế phẩm vi sinh và hỗn hợp cám (700 gram), bột cá (300 gram), rỉ đường (khoảng 2-3 kg) pha với 20 lít nước sạch, ủ 1-2 ngày và tạt khắp ruộng để cải thiện màu nước, ổn định môi trường. Trường hợp ngược lại, nếu nước có độ trong thấp do nhiều chất lơ lửng, khí độc và tảo độc phát triển thì cần cấp bổ sung nước từ ao dự trữ. Mỗi lần cấp bổ sung không quá 10% lượng nước trong ruộng.
Cán bộ Phòng Khuyến ngư - Nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, phải thường xuyên quan sát các biểu hiện bên ngoài như màu sắc vỏ tôm, lột xác và hoạt động của tôm để đánh giá sức khỏe. Cứ khoảng 3-5 ngày, nên một lần trộn các chất bổ sung như Vitamine C, men tiêu hóa và Beta-Glucan... vào thức ăn cho tôm để hỗ trợ tiêu hóa, kích thích hệ miễn dịch, tăng khả năng chống chịu của tôm trong môi trường bất lợi. Suốt quá trình nuôi, quan tâm đến quản lý và tạo thức ăn tự nhiên bằng cách sử dụng chế phẩm vi sinh, ổn định môi trường nước trong ruộng nuôi tôm.