Chăn nuôi theo hướng công nghệ cao ở Lương Tài
Với những tiềm năng sẵn có, Lương Tài đang tích cực phát triển chăn nuôi công nghệ cao (CNC) để thu hút các doanh nghiệp đầu tư và phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp-quy mô lớn-sản xuất hàng hóa nhằm tạo đà cho phát triển sản xuất chăn nuôi.
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Lương Tài có bước phát triển khá. Năng suất, sản lượng vật nuôi không ngừng được nâng lên, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi. Hiện nay, huyện Lương Tài có 10 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; 10 vùng nuôi cá thâm canh được quy hoạch.
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 10.101 tấn, giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 9,9% so với năm 2010, sản lượng thuỷ sản bình quân hơn 10.000 tấn.
Việc ứng dụng CNC được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và được các tổ chức, cá nhân và hộ nông dân tiếp thu, triển khai thực hiện. Phương thức chăn nuôi chuyển dịch mạnh từ sản xuất tự phát, tận dụng sang tập trung, tỷ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp đạt hơn 50%. Các tiến bộ về giống vật nuôi, công nghệ tiên tiến về xử lý chất thải, cơ giới hóa được ứng dụng ngày càng phổ biến.
Ông Nguyễn Văn Khoa, chủ trang trại ở thôn Phương Thanh, xã Phú Hoà cho biết: “Gia đình tôi có 5ha trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản, trong đó bình quân mỗi năm nuôi được 1.500 con lợn. Kể từ năm ngoái, tôi đầu tư mua 700 con lợn lai 3 máu, mặc dù giá thành giống cao hơn so với lợn thông thường nhưng quá trình nuôi lại có nhiều ưu điểm hơn như tốn ít thức ăn, tăng trọng nhanh, giá cao… Thu nhập từ nuôi lợn đạt 1 tỷ đồng/năm”.
Hiện huyện Lương Tài có 4 trang trại tham gia nuôi gia công gia súc, gia cầm cho các doanh nghiệp. Đây là những điển hình trong việc ứng dụng CNC trong chăn nuôi đem lại hiệu quả lớn. Các trang trại đầu tư hệ thống chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con; hệ thống máng ăn, núm uống tự động cho gà, lợn. Về vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, một số hộ chăn nuôi đã dùng các loại máy phun thuốc sát trùng công suất lớn, máy cọ rửa chuồng trại, nhiều trang trại xây dựng hệ thống bể biogas. Nhờ vậy, các hộ chăn nuôi đã hạn chế được rất lớn vấn đề rủi ro do dịch bệnh.
Với nuôi trồng thuỷ sản vốn là thế mạnh của vùng, các hộ nông dân, các HTX chuyên ngành thuỷ sản mạnh dạn đầu tư thức ăn, máy bơm nước, máy quạt nước tạo sóng… Các tiến bộ về con giống, kỹ thuật thâm canh cá, nuôi cá lồng trên sông cũng được đưa vào áp dụng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Văn Sản, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lương Tài thì, hiện nay, các trại chăn nuôi mới chủ yếu ứng dụng một phần CNC trong việc đưa con giống chất lượng vào sản xuất như giống lợn siêu nạc cao sản 3-4 máu ngoại, giống gà, vịt, ngan siêu thịt, siêu trứng kiêm dụng, các giống cá mới như cá lăng, cá trắm đen…Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song nhìn chung ứng dụng CNC trong chăn nuôi ở Lương Tài cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế. Do phương thức chăn nuôi đa phần còn nhỏ lẻ, việc đưa cơ giới hóa vào còn chậm, hiệu quả không cao. Việc đầu tư mua sắm thiết bị máy móc phục vụ cơ giới hóa trong chăn nuôi, sản xuất hiện còn mang tính tự phát, chưa đồng bộ; giá thành một số máy móc, thiết bị còn cao, thị trường cung cấp chưa nhiều, khó tìm mua và nhiều hộ dân thường phải đặt hàng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch vùng phát triển sản xuất chăn nuôi ứng dụng CNC, đẩy mạnh ứng dụng CNC, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm chăn nuôi có năng suất, chất lượng, an toàn và có sức cạnh tranh cao. Mục tiêu đến năm 2020, ngành chăn nuôi của huyện cơ bản chuyển sang sản xuất theo quy mô gia trại, trang trại, phương thức công nghiệp, đáp ứng phần lớn nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng cho tiêu dùng.