TIN THỦY SẢN

Châu Âu sẽ hỗ trợ kiểm soát chất lượng thủy sản

Các chuyên gia của EU sẽ sang VN để hỗ trợ việc giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản. Ảnh TL Ngọc Hùng

Vào giữa tháng 3, chuyên gia về thực phẩm của Ủy ban châu Âu sẽ sang Việt Nam để hỗ trợ rà soát việc triển khai chương trình giám sát quốc gia đối với dư lượng các chất độc hại trong thủy sản và sản phẩm thủy sản nuôi.

Theo Cục quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản (Nafiqad), thời gian làm việc của chuyên gia này tại Việt Nam bắt đầu từ 14 đến 19-3 tại các địa phương như TPHCM, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, cũng như làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn kỹ thuật đối với việc triển khai chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại tại Việt Nam.

Hiện tại, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng các chất độc hại trong các sản phẩm nông lâm thủy sản, đang trở thành mối quan tâm của EU. Mới đây, EU thông báo sẽ tăng tần suất kiểm tra một số rau củ, trái cây của Việt Nam. Cụ thể, mức kiểm tra đối với trái thanh long là 20%, các loại rau gia vị như hung quế, bạc hà, cần tây, mùi, ớt ngọt, đậu bắp có tần suất kiểm tra lên 50%.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu, EU nâng tần suất kiểm tra sản phẩm rau củ, trái cây nhập vào các nước thành viên EU. Tháng 10-2014, EU cũng đã một lần đưa ra thông báo nâng tầm suất kiểm tra thanh long lên 20%.

Sách Trắng 2016 với tiêu đề Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố tại TPHCM ngày 3-3 cũng đề cập rằng, một trong những thách thức cho ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản Việt Nam là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà ở đây là việc kiểm soát dư lượng các chất độc hại.

EuroCham dẫn lại từ số liệu của Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) của Liên minh châu Âu cho thấy, năm 2015, số lần cảnh báo RASFF của Việt Nam đã giảm nhiều so với năm 2014. Trong khu vực ASEAN, quốc gia bị cảnh báo RASFF nhiều nhất là Indonesia, tiếp đến là Thái Lan rồi mới đến Việt Nam.

Ngọc Hùng TBKTSG Online, 04/03/2016