Chế phẩm vi sinh từ nuôi cho đến bảo quản
Ở Quảng Nam mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM chuối và chế phẩm dịch chiết gừng bảo quản sản phẩm tôm đã chứng minh tính thiết thực và hiệu quả cao có thể hướng đến nhân rộng để ngành sản xuất tôm bền vững.
Nuôi tôm cho sản lượng cao, an toàn
Lâu nay, nông dân Nguyễn Xuân Cần (thôn Kỳ Trần, xã Bình Hải, Thăng Bình) nuôi tôm không nhiều nhưng được những hộ khác khâm phục vì các vụ nuôi luôn thành công. Ở vụ vừa qua, với 6 ao nuôi có tổng diện tích 18.000m2, ông Cần thu hoạch 10 tấn tôm, bán được 1,6 tỷ đồng, qua đó thu lợi 1 tỷ đồng.
Bí quyết thành công của nông dân này là ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. “Sử dụng hóa chất và kháng sinh không phải là giải pháp nuôi tôm bền vững vì gây hại môi trường và sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thay vào đó tôi sử dụng chế phẩm sinh học EM chuối - sản phẩm độc đáo xuất xứ từ Nhật Bản” - ông Cần chia sẻ.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm và bảo quản sản phẩm tôm nuôi đang là lựa chọn hiệu quả và hướng đến bền vững.
Chế biến EM chuối theo cách ông Cần hướng dẫn cũng khá đơn giản: xay nhuyễn 1kg chuối tây đã lột vỏ rồi khuấy đều với 1 lít EM trong bình có nắp đậy chặt. Sau 24 giờ có thể sử dụng 1 lít chế phẩm sinh học EM chuối trộn với 10kg thức ăn nuôi tôm. Nguyên tắc sử dụng chế phẩm sinh học của ông Cần là sử dụng đúng liều lượng, thời gian sử dụng vào buổi sáng, khoảng 8 - 10 giờ, lúc nắng ấm là phù hợp nhất vì hàm lượng ô xy hòa tan cao. Chế phẩm EM chuối có tác dụng tăng cường sức đề kháng và khả năng chống chịu của tôm nuôi khi có các điều kiện ngoại cảnh bất lợi, tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn cho tôm. Bên cạnh đó, EM chuối còn giúp tiêu diệt vi sinh vật có hại, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Nuôi tôm ở vùng triều có nhiều hạn chế về nguồn nước, nhưng cũng nhờ sử dụng chế phẩm sinh học, hộ các ông Nguyễn Nam, Đỗ Văn Lành (khối phố Phú Sơn, phường An Phú, TP.Tam Kỳ) vẫn thu được sản lượng lớn, lãi hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ nuôi.
Ông Nguyễn Nam cho biết, ông sử dụng chế phẩm sinh học trong toàn bộ quá trình nuôi tôm, từ giai đoạn cải tạo ao nuôi đến khi thu hoạch. “Ban đầu tôi nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức quảng canh vì vùng triều ven sông không có lợi thế về quản lý môi trường nuôi tôm như trên cát. Sau đó, tôi đã chuyển sang thâm canh nhờ sử dụng chế phẩm sinh học có tính tương thích cao nên nuôi tôm rất trúng vụ” - ông Nam nói.
Ông Đỗ Văn Lành cho biết thêm, thời tiết càng khắc nghiệt nông dân càng nên dùng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm. Như chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm 2018, ông sẽ dùng chế phẩm sinh học để xử lý bùn đáy hồ bằng cách pha với nước phun tiêu độc trong vòng 10 ngày. Tùy theo từng vụ nuôi, ông dùng các loại chế phẩm sinh học khác nhau phù hợp, được kiểm chứng kỹ càng.
Hiệu quả bảo quản
Mới đây, cơ sở thu mua tôm thương phẩm Thúy Ty (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành) tiến hành thu mua tôm thẻ chân trắng ở ao nuôi của bà Nguyễn Thị Luận (xã Tam Hải, Núi Thành). Thay vì chỉ dùng đá ướp lạnh như mọi khi, doanh nghiệp này đã sử dụng chế phẩm sinh học gồm 50% dịch chiết gừng trong cồn 50%, cùng 50% dịch chiết riềng trong cồn 60% và các phụ gia an toàn là nisin nồng độ 200ppm, chitosan có nồng độ 0,5% để bảo quản sản phẩm theo tỷ lệ 1 lít chế phẩm sinh học pha với 2 lít nước biển và 7kg nước đá để bảo quản cho 10kg tôm thương phẩm.
Kết quả là tôm không có điểm đen nào trên thân; không bị rách vỏ; thịt tôm có màu sắc đặc trưng, săn chắc; đầu tôm dính chặt vào thân và không dập nát. Cơ sở Thúy Ty cho biết, nếu bảo quản bằng nước đá đơn thuần, chỉ sau 2 ngày tôm sẽ suy giảm chất lượng, giá bán ra bị giảm đến 30%. Trong khi đó, bảo quản bằng chế phẩm sinh học, thời gian giữ chất lượng sản phẩm tôm lâu hơn.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, mặc dù chế phẩm sinh học chưa được sử dụng nhiều và bài bản trong nuôi tôm cũng như bảo quản tôm thương phẩm, nhưng những thành quả bước đầu của một số hộ nuôi tôm, doanh nghiệp ứng dụng đã cho thấy dấu hiệu đáng mừng, có thể hướng đến nhân rộng để sản xuất bền vững. Điều đó cho thấy ý thức của người nuôi tôm đang dần nâng cao, và họ cũng biết rõ rằng sử dụng chế phẩm sinh học mang tính phòng ngừa dịch bệnh cho tôm rất tốt. Và để phát huy tác dụng của chế phẩm sinh học, người nuôi tôm cũng đã chủ động diệt khuẩn tốt trong ao nuôi tôm, đảm bảo môi trường nước ổn định.
Cần tuân theo quy trình sử dụng chế phẩm sinh học
Ngành chức năng khuyến cáo các hộ sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ trong quá trình nuôi tôm. Đối với nhóm xử lý môi trường, 7 - 10 ngày sử dụng 1 lần; đối với nhóm hỗ trợ tiêu hóa, có thể luân phiên sử dụng 3 - 5 ngày, sau đó ngưng 5 - 7 ngày. Cách dùng và liều lượng phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất. Thời gian xử lý chế phẩm sinh học tốt nhất là lúc trời nắng và khi môi trường trong ao đã đủ lượng ô xy hòa tan để các dòng vi khuẩn nhanh chóng được khởi động và nhân rộng sinh khối. Người nuôi tuyệt đối không được sử dụng chế phẩm sinh học đồng thời với các loại hóa chất có tính diệt khuẩn như BKC, thuốc tím, chlorine, kháng sinh. Khi sử dụng các loại chế phẩm sinh học, nông dân cần chú ý đến xuất xứ và sản phẩm phải có tên trong danh mục được phép lưu hành.