TIN THỦY SẢN

Chồng bà Diệu Hiền muốn mua cổ phần doanh nghiệp sắp phá sản

Nhiều taxi Bắc Trung Nam không thể hoạt động vì giấy tờ do ngân hàng chủ nợ giữ và không cho đưa đi đăng kiểm. Ảnh: Ngọc Hà trà giang

Một mặt tìm phương án tái cấu trúc cho doanh nghiệp Thanh Hóa đang bên bờ phá sản, ông Trần Văn Trí cũng tính tới kế hoạch góp vốn để trở thành cổ đông.

Trao đổi với Vnexpress.net chiều 3/8, ông Trần Văn Trí cho biết vừa làm việc xong với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến để bàn phương án "giải cứu" doanh nghiệp lún vào nợ nần là Công ty cổ phần Bắc Trung Nam ở thành phố Thanh Hóa. Theo ông Trí, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá Công ty Bắc Trung Nam có thương hiệu ở khu vực Bắc Trung bộ, tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động vận tải, dịch vụ taxi và khám chữa bệnh.

Là chồng nữ doanh nhân thành đạt một thời Phạm Thị Diệu Hiền (nguyên chủ tịch Công ty Thủy sản Bình An), ông Trí được biết tới khi nghỉ công chức nhà nước về gánh vác công ty của vợ đang nợ nần hàng nghìn tỷ đồng. Sau đó, ông tham gia tái cấu trúc một số doanh nghiệp thủy sản quy mô lớn khác của ĐBSCL.

"Được mời ra Thanh Hóa đánh giá nợ nần, tìm phương án tái cơ cấu Công ty Bắc Trung Nam, nên tôi đã liên hệ với Tổng Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của Doanh nghiệp (DATC - Bộ Tài chính). Chúng tôi đang cố gắng thương thảo với các chủ nợ ngân hàng để có hướng khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp và cuối cùng là mua nợ để tái cấu trúc toàn diện", ông Trí nói và cho biết đang tính đến kế hoạch góp vốn, trở thành cổ đông của Công ty Bắc Trung Nam.

Một ngày trước ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC cũng đã làm việc với Công ty Bắc Trung Nam để thống kê nợ nần, nghe chủ doanh nghiệp báo cáo phương án tái cấu trúc. Theo ông Quang, bước đầu công ty phải thuê kiểm toán độc lập để đánh giá tài sản minh bạch, xem mất cân đối bao nhiêu rồi mới xây dựng phương án tái cấu trúc khi được các chủ nợ ngân hàng đồng ý hợp tác.

"Theo tôi ít nhất 1 năm mới có thể tái cấu trúc xong. Trong những ngày tới, DATC vừa làm việc với Công ty Bắc Trung Nam, vừa đàm phán với ngân hàng để cùng nhau tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".

Từ một nhà phân phối hàng tiêu dùng vào năm 2005, Giám đốc Đỗ Thị Hồng cùng bạn bè, người thân góp vốn mở Công ty cổ phần Bắc Trung Nam với vốn điều lệ 39 tỷ đồng. Ba năm sau doanh nghiệp đầu tư gần 250 xe taxi và năm 2010 đưa vào vận hành Bệnh viện Mắt Bắc Trung Nam đối diện Ngã Ba Bia thành phố Thanh Hóa. Ngoài bệnh viện, doanh nghiệp còn có phòng khám đa khoa, trung tâm vật lý trị liệu thuộc Ban Quản lý dự án Bệnh viện đa khoa dưỡng lão Bắc Trung Nam trên diện tích 8 ha.


Ông Phạm Thanh Quang, Tổng giám đốc DATC làm việc với doanh nghiệp hôm 2/8.

Do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới và tình hình thắt chặt tín dụng nên từ năm 2012 đến nay công ty gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận vốn vay mới vì tài sản thế chấp bị đánh giá thấp, không đủ giá trị đảm bảo. Trong khi đó lãi suất các hợp đồng nợ trung hạn đã vay trước đây công ty đang chịu quá cao khiến kết quả kinh doanh giảm sút.

Theo bà Hồng, tổng tài sản của doanh nghiệp còn khoảng 185 tỷ đồng. Hiện công ty nợ 3 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank và BIDV cả vốn lẫn lãi gần 75 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn nợ khách hàng, đối tác làm ăn hơn 30 tỷ đồng.

Gần một tháng trước, doanh nghiệp này cầu cứu chồng doanh nhân Diệu Hiền. Ông Trí vừa tham gia xử lý nợ nần sau khi Thủy sản Phương Nam tái cấu trúc thành công vừa phải bay ra Bắc tìm hướng giúp Công ty Bắc Trung Nam thoát khỏi khó khăn, tìm phương án kinh doanh hiệu quả trở lại để giữ vững thương hiệu và không để mất Bệnh viện Mắt.

trà giang Theo Vnexpress