TIN THỦY SẢN

Chuyện “chim trời cá nước…”

Khai thác thủy sản ở Khánh Hòa. Ảnh: Báo Khánh Hòa Nguyễn Hoàng Linh

Tục ngữ xưa có câu “Chim trời cá nước, ai được thì xơi”, nhiều người hiểu rằng, của cải thiên nhiên ban tặng không của riêng ai, sự chiếm hữu là không hạn chế.

Ấy là chuyện xưa, còn nay, khi văn minh loài người ngày càng nâng cao, việc khai thác của cải thiên nhiên không thể vô hạn.

Một thí dụ điển hình là việc ngành thủy sản Việt Nam vừa mới bị Liên minh châu Âu (EU) công bố phạt thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này do tình trạng đánh bắt bất hợp pháp không được báo cáo và không được quản lý.

Việc chống đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp là một trong những quy định khắt khe với nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam không thể ngoài cuộc.

Với vai trò sứ giả mang thông điệp mạnh mẽ từ nước Úc nhằm ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam thoát thẻ vàng, ông Brendan Reyner - trưởng bộ phận chấp pháp quốc tế (AFMA) - cho biết ở Úc, có những vùng biển bị đóng cửa hoàn toàn, chỉ có một số vùng cho phép đánh bắt nhưng phải có giấy phép, ngư dân phải trả phí cho Chính phủ.

Có loài hải sản, Chính phủ Úc có những ngư trường riêng biệt, đánh bắt có thời gian và số lượng hạn chế để bảo tồn, phí đánh bắt cũng rất lớn dùng vào việc bảo tồn và nghiên cứu phát triển.

Nhìn nhận vấn đề đánh bắt hải sản không kiểm soát của ngư dân, Úc cũng từng có giai đoạn tương tự Việt Nam hiện nay, khiến các loại thủy sản mất dần. Ông Brendan Reyner nhận xét: "Chúng tôi đã từng trải qua quá trình kiểm soát rất khó khăn và phải áp dụng khung hình phạt nặng với các tàu vi phạm, thậm chí cấm đánh bắt vĩnh viễn. Theo thống kê gần đây, Úc không còn tình trạng khai thác quá mức nữa. Ngư dân có thu nhập cao, nguồn lợi thủy sản được bảo tồn".

Dường như không phải ai cũng thấm thía hậu quả của chiếc thẻ vàng này. Trong cuộc họp báo gần đây, ông Nguyễn Ngọc Oai - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đã trấn an dư luận rằng, đây chỉ là thẻ vàng dành cho sản phẩm đánh bắt từ biển. Hơn nữa, tỷ lệ hải sản đánh bắt của Việt Nam xuất khẩu sang EU rất thấp, chỉ 5,1%(!?).

Tuy nhiên, thông tin mới đây cho hay, một số khách hàng lớn ở Nhật Bản đã tuyên bố rằng, nếu Việt Nam bị phạt thẻ đỏ từ phía EU thì Chính phủ Nhật Bản cũng không cho phép các Cty Nhật thu mua sản phẩm hải sản của Việt Nam.

Thế mới biết, “chim trời cá nước…” ngày nay khác xưa nhiều lắm!

Nguyễn Hoàng Linh Báo Xây Dựng