TIN THỦY SẢN

Chuyển dịch vùng đất mía Thới Bình sang vùng tôm lúa

Mô hình lúa sạch triển khai thành công ở Ấp 5, xã Trí Lực năm 2018. Đặng Khánh Du

Một lòng với cây mía, nhưng đến năm 2017, ông Nguyễn Văn Thiện đành chuyển sang sản xuất lúa - tôm. Ông Thiện tâm sự: “Thực tế cây mía không thể tồn tại được nữa, mình phải chuyển sang mô hình phù hợp hơn thôi. Với lúa - tôm, năm rồi thu nhập trên 70 triệu đồng, lại đỡ tốn công và chi phí như trồng mía”.

Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực Hà Minh Sữa cho biết: “Hiện hầu hết diện tích trồng mía trên địa bàn xã đã chuyển sang các mô hình cây trồng, vật nuôi khác, trong đó đa phần là nuôi tôm và trồng lúa. Năm 2018, tổng diện tích mía trên địa bàn xã còn 250 ha, đến đầu năm 2019 còn 66,5 ha, chuyển dịch gần 200 ha. Nhìn chung, từ khi chuyển dịch từ cây mía sang lúa - tôm, đời sống kinh tế người dân được nâng lên”.

Xã Trí Lực đang xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, lúa hữu cơ, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất bước đầu đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, người dân càng tin tưởng và quyết tâm chuyển dịch, tham gia vào chuỗi liên kết. Qua khảo sát, triển khai mô hình thí điểm, ngành chức năng cũng như doanh nghiệp đã khẳng định vùng đất Trí Lực phù hợp sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi.

“Năm 2018, xã thực hiện thí điểm thành công mô hình trồng lúa hữu cơ trên đất nuôi tôm đạt 29 ha, có 11 hộ tham gia được đánh giá chất lượng đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đây là điều kiện để xã xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, lúa hữu cơ”, ông Hà Minh Sữa cho biết.

Đến năm 2019, xã Trí Lực thành lập được 2 HTX: Lúa tôm Trí Lực tại Ấp 5 và Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Đoàn Phát, Ấp 8, hướng đến mô hình chuỗi liên kết sản xuất.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thuỷ sản Đoàn Phát Huỳnh Minh Triều cho biết: “Hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, HTX đã ký hợp đồng với nhiều công ty cung ứng sản phẩm đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Hiện tại, HTX có trên 250 hộ tham gia chuỗi liên kết”.

Năm 2019, HTX Đoàn Phát thực hiện trên vùng đất chuyển dịch của Ấp 8 được 53,2 ha lúa hữu cơ, 200 ha sản xuất lúa an toàn. Ông Huỳnh Minh Triều cho biết: “Sau khi ký hợp đồng cung ứng và bao tiêu sản phẩm, thành viên HTX đã nhận giống, đợi đến lịch thời vụ cũng như thời tiết thuận lợi sẽ đồng loạt xuống giống”.

Ông Lý Văn Thông phấn khởi: “Năm nay, dân đồng tình làm giống ST20 và ST24 bởi 2 giống lúa này rất thành công trên địa bàn Ấp 5, mừng nhất là xã đã thành lập 2 HTX. Chúng tôi phấn khởi khi không chỉ được cung cấp giống mà còn được đảm bảo đầu ra”.

Ông Hà Minh Sữa cho biết: “Nếu trong quá trình sản xuất, người dân đảm bảo đúng quy trình của doanh nghiệp đầu tư đề ra thì khi thu mua họ sẽ mua bằng và cao hơn giá thị trường. Việc định giá cũng được công khai thông qua đối thoại trực tiếp với các hộ dân, lấy giá lúa của 4 huyện sản xuất lúa - tôm lân cận làm cơ sở so sánh và thống nhất mức giá cuối cùng”.

Việc chuyển dịch từ cây mía sang lúa - tôm, các mô hình cây trồng, vật nuôi khác bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, đặc biệt với việc sản xuất theo chuỗi liên kết thì sản phẩm làm ra không còn bấp bênh như trước đây. 

“Để phát triển mô hình lúa - tôm trên địa bàn cần Nhà nước đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để cơ giới hoá, xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, lúa hữu cơ cho xã trong tương lai”, ông Hà Minh Sữa cho biết thêm.

Rõ ràng việc chuyển dịch trồng mía sang cây trồng, vật nuôi khác là hướng đi đầy hứa hẹn, nhận được sự đồng tình của người dân. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Lâm cho biết: “Định hướng của chúng tôi là không quy hoạch lại mía mà chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác như phát triển mô hình lúa - tôm, đặc biệt là nuôi tôm càng xanh; Quy hoạch vùng nguyên liệu lúa sạch, lúa hữu cơ trên địa bàn xã Trí Lực”.

Đặng Khánh Du Báo Cà Mau